Hô tiền tỷ, trả tiền triệu – “đấu giá ảo”

Chuyện đấu giá tài sản có giá từ hàng tỷ đến chục tỷ đồng nhưng bất thành không phải là chuyện hy hữu ở Việt Nam. Việc quản lý “lỏng lẻo” quy trình đấu giá đã tạo tiền lệ cực kỳ xấu không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của người có tài sản mà còn ảnh hưởng đến uy tín ngành đấu giá ở Việt Nam trong ánh mắt bạn bè quốc tế.

Như các vụ đấu giá gần đây được đông đảo công chúng xem là “nực cười”, “đáng xấu hổ” của  công ty Lạc Việt, ông Vũ Mạnh Hùng - người đại diện trả giá thay ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh mặc dù đã trúng đấu giá cặp chóe Tứ Linh ở mức giá 6,05 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 6/6, ông Hùng đã phản hồi Lạc Việt về việc từ chối mua tài sản nói trên. 

Lý do từ chối mua tài sản chỉ đơn giản là ông Đỗ Anh Dũng chỉ ủy quyền cho ông Hùng đi đấu giá với giới hạn tối đa 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, có thể trong quá trình đấu giá, ông Hùng do "hưng phấn" nên đã trả giá cao hơn so với mức đã được giao.

Hay phải kể đến các vụ đấu giá “động trời” nhưng bất thành viên đá ruby giá 47,5 tỷ vào đêm thi Hoa hậu Trái Đất, vụ đấu giá sim di động 8 số 8 – 0988888888 giá 1,1 tỷ nhưng doanh nhân đã không trả số tiền đấu giá như cam kết và phải đến gần 6 năm sau đó, chiếc sim mới được trao cho chủ mới…

Cặp chóe Tứ Linh sẽ được bán cho người đưa ra mức giá 6 tỷ đồng là ông chủ  Tập đoàn Hải Phát - cũng là một đại gia bất động sản. 

Một số ý kiến của độc giả VnExpress.net

Thư ký luật xin trích dẫn một lời bình luận "tâm huyết" từ một bạn đọc của Vnexpress.net, với nội dung:

“Gọi là đấu giá gây quỹ thì đâu cần giá trị thực tế. Nhà đấu giá cần lòng hảo tâm, nhưng lại nhận được sự hào nhoáng ảo của các nhà hảo tâm ảo. Một sự hào nhoáng thể hiện sự cơ hội và tình thế lại đảo ngược( chính những người cần được giúp đỡ lại làm cơ hội cho những nhà hảo tâm đấu giá kiểu này). Là người Việt tôi thực sự thấy xấu hổ. Nhưng cũng phải nói rằng chúng ta luật đấu giá không có chặt chẽ! Theo tôi biết đấu giá ở nước ngoài họ đặt cọc một khoản tiền bằng giá trị thực của món đấu giá đó( chỉ áp dụng làm từ thiện). Người đấu giá muốn được tham gia phải có tiền trong Ngân hàng và được ban tổ chức xác nhận- tiền sẽ lấy từ Ngân hàng nếu người tham gia trúng giá. Thế nên họ không làm bậy, làm ẩu như ta! Tiền đặt cọc bị khấu trừ 30% và coi đó như sự giúp đỡ chương trình vì người tham gia đã được chương trình giới thiệu. Vậy đó”

Câu hỏi đặt ra là, từ khi nào đấu giá từ thiện, mục đích tốt, tài sản thật đã trở thành “sàn đánh bóng thương hiệu”, “sân quảng cáo” mà các doanh nghiệp chỉ phải bỏ ra vài chục triệu, quá ít ỏi nếu so với giá mà họ đã “hô” khi đấu giá.

Hiện này, kinh doanh đấu giá ở Việt Nam chưa được ban hành Luật riêng mà chủ yếu được quy định tại Mục 2 Chương VI Luật Thương mại 2005 và được coi như là một giao dịch dân sự nên được điều chỉnh bởi Bộ Luật Dân sự 2005, Nghị định 17/2010/NĐ-CP và các Nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, chính bản thân những quy định về đấu giá từ các nguồn văn bản pháp luật trên cũng có sự mâu thuẩn gây khó khăn cho người áp dụng. Ví dụ như , Luật thương mại không bắt buộc người tham gia phải đặt cọc tiền, điều này phụ thuộc vào ý chí của người tổ chức đấu giá, “có thể yêu cầu người tham gia nộp tiền đặt cọc, không quá 2% giá khởi điểm của tài sản được đấu giá” (Điều 199). Nghị định 17/2010/NĐ-CP quy định về bán đấu giá tài sản chính phủ lại quy định rằng, người tham gia đấu giá tài sản phải nộp phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước, đây là quy định bắt buộc, khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận quy định nhưng tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá. Do đó, các nhà tổ chức đấu gia phải cân nhắc sử dụng khung pháp lý phù hợp để đem lại lợi ích cho mình và người có tài sản.

Dự thảo Luật đấu giá – nâng mức tiền cọc:

Có nhiều ý kiến cho rằng, số tiền cọc quá ít, không có cơ chế phạt sẽ làm tăng trường hợp đấu giá ảo, lợi dụng chương trình đấu giá để quảng bá thương hiệu thì Dự thảo luật Đấu giá được ban hành ngày 19/05/2015 đã cho thấy dấu hiệu tích cực từ chính phủ khi quy định tăng mức tiền cọc tại Điều 34, nội dung Khoản 1 Điều 34 Dự thảo:

Người tham gia đấu giá tài sản phải nộp tiền đặt trước. Khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Tiền đặt trước được gửi vào tài khoản ký quỹ tại tổ chức tín dụng. Đặc biệt, khoản tiền đặt trước sẽ được nộp vào tài khoản riêng của doanh nghiệp đấu giá mở tại tổ chức tín dụng hoặc các bên có thể thỏa thuận thay thế nộp tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng. Điều này sẽ góp phần minh bạch hóa và tăng cường quản lý đối với khoản tiền đặt trước.

Tăng chất lượng đấu giá viên:

Nhằm tăng chất lượng đấu giá viên, tăng tính chuyên nghiệp cho phiên đấu giá Dự thảo luật còn quy định thêm điều kiện để trở thành đấu giá viên là phải có bằng cử nhân luật, kinh tế,  kế toán, tài chính ngân hàng có thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 5 năm trở lên phải qua đào tạo nghề đấu giá là 6 tháng; tập sự hành nghề đấu giá trong thời gian 6 tháng và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá. Chứ không  nên để tình trạng ai cũng có thể trở thành đấu giá viên như tại quy định Nghị định 17/2010/NĐ-CP.

Từ Dự thảo trở thành Luật còn qua rất nhiều quá trình sửa đổi, bổ sung. Trong tình trạng Luật hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu của người có tài sản, người tổ chức đấu giá, dẫn đến tình trạng người thì dè dặt mang tài sản đi đấu giá, kẻ thì sợ lỗ vốn khi tổ chức đấu giá... Đó là mất mát chung đối với sự phát triển của đất nước. Hiện tại chúng ta chỉ có thể đợi câu trả lời từ các nhà lập pháp. 

1132 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;