Hội đồng định giá theo vụ việc cấp bộ thành lập trong trường hợp nào?

Mới đây, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 97/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự.

hoi dong dinh gia tai san theo vu viec cap bo, Nghi dinh 97/2019/NĐ-CP

Hình minh họa (nguồn internet)

Theo đó, Nghị định 97/2019/NĐ-CP quy định hội đồng định giá tài sản theo vụ việc trong tố tụng hình sự được thành lập ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện); ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); ở bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là cấp bộ); Hội đồng định giá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 97/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 4 Điều 6 Nghị định 30/2018/NĐ-CP quy định hội đồng định giá theo vụ việc cấp bộ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với tài sản cần định giá theo quy định của pháp luật quyết định thành lập để thực hiện định giá trong các trường hợp sau:

TH1: Thực hiện định giá lại trong các trường hợp theo quy định tại Điều 21 và Điều 22 Nghị định 30.

TH2: Thực hiện định giá lần đầu đối với tài sản thuộc các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp liên quan đến nhiều cấp và được dư luận xã hội quan tâm khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

TH3: Đối với vụ án có nhiều loại tài sản khác nhau, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm căn cứ vào đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của tài sản, yêu cầu của vụ án để phân loại tài sản và thực hiện yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá phù hợp với chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được giao theo các trường hợp sau:

- Trường hợp phân loại được tài sản để tách riêng thực hiện định giá đối với từng nhóm tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá đối với từng nhóm tài sản.

- Trường hợp không thể phân loại được tài sản, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành lĩnh vực đối với một loại tài sản trong số các tài sản của vụ án chủ trì thành lập Hội đồng định giá; riêng trường hợp trong số các tài sản cần định giá có tài sản là đất, quyền sử dụng đất thì cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở trung ương chủ trì thành lập Hội đồng định giá (không phân biệt quyền sở hữu tài sản). Các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đối với các tài sản khác còn lại có trách nhiệm cử đại diện tham gia làm thành viên Hội đồng định giá theo yêu cầu của bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì thành lập Hội đồng định giá.

Ngoài ra, Nghị định bổ sung thêm quy định về Hội đồng định giá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể Hội đồng được thành lập khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để thực hiện định giá lại trong trường hợp theo quy định tại Điều 21 và Điều 22 Nghị định 30.

Xem thêm tại: Nghị định 97/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/02/2020.

Thu Ba

680 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;