Hồi tố là gì?

Cụm từ hồi tố thường bắt gặp trong các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là trong pháp luật hình sự hồi tố được hiểu là hiệu lực trở về trước của một hoặc nhiều quy phạm pháp luật hình sự đối với hành vi được pháp luật hình sự quy định là tội phạm so với quy phạm pháp luật hình sự tại thời điểm có hiệu lực thi hành.

Hồi tố là một dạng hiệu lực pháp luật của văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được coi là tính bắt buộc thi hành của văn bản trong một giai đoạn nhất định, trên một không gian nhất định và với những chủ thể pháp luật nhất định.

Về nguyên tắc, luật hình sự Việt Nam không có hiệu lực hồi tố. Xuất phát từ nguyên tắc pháp chế “nullum crimen sine lege” tức không có tội nếu không có luật. Theo nguyên tắc này đạo luật hình sự chỉ có hiệu lực thi hành đối với tội phạm xảy ra khi đạo luật đó có hiệu lực thi hành và trước khi khi đạo luật đó mất hiệu lực. Nếu hành vi đã được thực hiện trước khi có luật thì không thể áp dụng điều luật đó để buộc họ chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, vì những lý do nhân đạo khi những quy định của luật mới khoan hồng hơn so với luật cũ và sự cần thiết bảo vệ lợi ích Nhà nước của xã hội và lợi ích của công dân thì việc áp dụng hiệu lực hồi tố là cần thiết. Song việc áp dụng hiệu lực hồi tố cũng bó hẹp trong một vài trường hợp.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 152 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 không quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây:

  • Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý;
  • Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn.

Và đặc biệt văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt không được quy định hiệu lực trở về trước.

Trong pháp luật hình sự hiện hành, không quy định hiệu lực hồi tố đối với điều luật mới không có lợi cho người phạm tội. Riêng đối với điều luật mới có lợi cho người phạm tội thì áp dụng hiệu lực hồi tố. Cụ thể tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự quy định như sau:

“Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới hoặc hạn chế phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.

Điều luật xoá bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xoá án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.”

Như vậy, việc quy đinh và áp dụng hiệu lực hồi tố là nguyên tắc thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta.

52486 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;