Không giải quyết tố cáo, cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị cách chức

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo , trong đó quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm Luật Tố cáo.

Không giải quyết tố cáo, cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị cách chức

Theo đó, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo, người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật và quy định tại Nghị định 31 hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Cụ thể:

- Hình thức kỷ luật khiển trách: Áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật:

  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật;
  • Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo dẫn đến việc người tố cáo bị trả thù, trù dập.

- Hình thức kỷ luật cảnh cáo: Áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật:

  • Tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo;
  • Cố ý không thụ lý tố cáo, không ban hành kết luận nội dung tố cáo;
  • Không quyết định xử lý tố cáo theo thẩm quyền hoặc không kiến nghị người có thẩm quyền xử lý tố cáo.

- Hình thức kỷ luật cách chức: Áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật:

  • Cố ý không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội;
  • Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu, làm mất hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; bao che cho người bị tố cáo gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội;
  • Không áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo thuộc thẩm quyền làm cho người tố cáo bị trả thù, trù dập dẫn đến thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc bị chết.

Về xử lý kỷ luật đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có một trong những hành vi sau:

  • Biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo;
  • Cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật;
  • Sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị .

Đây là những nội dung được quy định tại Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định 31/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/5/2019, thay thế Nghị định 76/2012/NĐ-CP.

- Nguyễn Trinh - 

7925 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;