Kinh doanh lĩnh vực thám tử tư có được phép?

Lĩnh vực thám tử tư, điều tra đã được nhiều quốc gia trên thế giới thừa nhận. Mỹ là một trong số đó và đã có các quy định pháp luật quản lý chặt chẽ. Đây được xem là một lĩnh vực đặc biệt vì nó có thể xâm phạm đến bí mật đời tư con người.

 

Buổi sáng, uống cà phê nghe được câu chuyện từ cô chủ quán. Cô vừa kể vừa chỉ tay vào căn biệt thự sang trọng phía đối diện: "Nhà trông đẹp thế kia thôi chứ người sống trong nhà không mấy vui vẻ đâu, lạnh lẽo lắm".

Đang thắc mắc không hiểu lý do vì sao thì cô tiếp tục: "Nhà có cô gái trẻ về làm dâu nhà giàu, cứ nghĩ là hạnh phúc lắm. Thế nhưng anh chồng lại là người có máu ghen tuông. Ghen đến mức, hiện tại cô đã mang thai được 6 tháng mà anh ta còn lo nghĩ không phải con của mình. Vì nhiều tiền, anh ký liền mấy hợp đồng với văn phòng thám tử, chỉ để theo dõi xem vợ mình hàng ngày làm những gì. Biết được điều đó, buồn đấy nhưng cô gái nghĩ thôi thì vì con mà tiếp tục cuộc hôn nhân này".

Nghe xong câu chuyện thấy tội nghiệp cho cô gái đó, nhưng cũng đầy thắc mắc không biết cái nghề thám tử tư pháp luật quy định như thế nào?

Trước đây, theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP thì đầu tư trong lĩnh vực thám tử tư, điều tra được xem là một trong các dự án gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng. (Phụ lục IV Danh mục lĩnh vực cấm đầu tư).

Các dự án gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và lợi ích công cộng:

  1. Sản xuất, chế biến các chất ma túy;
  2. Đầu tư kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
  3. Đầu tư trong lĩnh vực thám tử tư, điều tra.

Thời gian này dù rằng pháp luật nghiêm cấm, nhưng vì nhu cầu thuê thám tử rất cao nên vẫn xuất hiện hàng loạt các văn phòng thám tử hoạt động "chui". Một vài văn phòng "ranh" thì xin được cấp phép dưới danh nghĩa là hoạt động cung cấp thông tin.

Thế nhưng, hiện tại Nghị định 108 đã hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định 118/2015/NĐ-CP. Trong Nghị định 118 không hề nhắc đến việc thám tử tư, điều tra là một lĩnh vực cấm đầu tư. Đồng thời, tại Điều 33 Hiến pháp 2013 quy định: "Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm". Do đó, ngành nghề thám tử tư, điều tra dường như đã được pháp luật thừa nhận.

Việc cho phép kinh doanh trong lĩnh vực thám tử không phải là không đúng. Bởi trước nhu cầu quá cao của người dùng khiến cho các văn phòng thám tử mọc lên như nấm. Và do đó nếu không quản lý chặt chẽ, một mặt Nhà nước mất đi một khoản thu lớn từ thuế thu nhập vào ngân sách, mặt khác việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền bất khả xậm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình của mỗi công dân.

Như vậy, cần thiết phải ban hành các quy định pháp luật để quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thám tử tư, điều tra.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

2952 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;