Làm gì khi cha dượng, mẹ kế bạo lực với con riêng?

Trong những năm qua, tình trạng ly hôn ở nước ta xảy ra khá nhiều, các Tòa án ở địa phương hầu như ngày nào cũng tiếp nhận vài vụ việc dân sự yêu cầu đòi giải quyết ly hôn. Ly hôn về mặt tích cực có thể giải phóng vợ, chồng khỏi tình trạng xung đột, bạo lực trong gia đình nhưng về phía mặt tiêu cực nó lại ảnh hưởng đến tâm lý cho con cái, đặc biệt là trẻ em.

 

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, khi cha mẹ ly tán thì chắc hẳn chúng sẽ bị khuyết đi một phần tình cảm cũng như sự nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trực tiếp. Có không ít những trường hợp cha/ mẹ tái hôn thì trẻ em lâm vào cảnh chung sống không hòa hợp với mẹ kế/ cha dượng. Tình cảm ruột thịt vốn đã thiếu thốn mà nay phải chịu đánh đập, bạo hành hằng ngày từ cha dượng/ mẹ kế thì trẻ phải làm thế nào?

Theo quy định tại Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình, các hành vi bạo lực gia đình được hiểu là:

  • Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
  • Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
  • Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
  • Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
  • Cưỡng ép quan hệ tình dục;
  • Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
  • Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
  • Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
  • Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Và đồng thời Điều 8 Luật phòng chống bạo lực gia đình nghiêm cấm các hành vi:

  • Cưỡng bức, kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
  • Sử dụng, truyền bá thông tin, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình.
  • Trả thù, đe doạ trả thù người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
  • Cản trở việc phát hiện, khai báo và xử lý hành vi bạo lực gia đình.
  • Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để trục lợi hoặc thực hiện hoạt động trái pháp luật.
  • Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình không còn là câu chuyện cũ hay mới mà nó vẫn luôn tiếp diễn trong cuộc sống hằng ngày. Có rất nhiều những vụ bạo lực, đánh đập con riêng mà chính những người thân trong gia đình không hề hay biết. Và cũng có không ít những trường hợp chính cha mẹ đẻ biết nhưng họ vẫn để đó, chọn cách im lặng. Điều này dẫn đến những hệ quả không thể lường trước được: tình cảm gia đình ngày càng sứt mẻ, con cái bị đánh đập trở thành thói quen hằng ngày của mẹ kế/ cha dượng; sức khỏe con cái ngày càng giảm sút, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến tín mạng. Đặc biệt là đứa trẻ bị bạo hành dần trở nên "trầm cảm", tiềm thức của trẻ có thể hình thành sự ghét bỏ đối với cha dượng/ mẹ kế; trải qua thời gian dài sẽ là sự “thù hằn” muốn “trả thù”.

Hình ảnh minh họa

 

Trong mọi mối quan hệ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào trẻ em đều là đối tượng có quyền được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Liên quan đến quan hệ giữa cha dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc của chồng Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: Cha dượng, mẹ kế có quyền và nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con riêng của bên kia cùng sống chung với mình như quyền và nghĩa vụ của người cha, người mẹ đối với con ruột của mình. Và ngược con riêng có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha dượng, mẹ kế cùng sống chung với mình như đối với cha, mẹ ruột của mình.

Cha dượng hoặc mẹ kế bạo lực với con riêng là hành vi vi phạm pháp luật và trái với đạo đức xã hội, do đó khi phát hiện những trường hợp này chúng ta phải lên tiếng.

Nếu bạn là nạn nhân bạo lực gia đình thì bạn có các quyền:

  • Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
  • Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật phòng, chống bạo lực gia đình.
  • Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
  • Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật Luật phòng, chống bạo lực gia đình;
  • Và có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Nếu bạn là người phát hiện tình trạng bạo lực này thì bạn phải nhanh chóng, kịp thời can ngăn những hành vi bạo lực này, đồng thời báo cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân hoặc Công an địa phương) nhờ họ can thiệp và giải quyết.

Tùy theo mức độ vi phạm mà hành vi bạo lực có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tại Bộ luật hình sự 1999. Nên nhớ rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật, nếu để mặc hành vi tiếp diễn thì chính bạn cũng là đồng phạm của hành vi này và cũng có thể bị xử lý.

3580 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;