Ngân sách hỗ trợ đào tạo sơ cấp cho lao động nông thôn và mất việc

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 152/2016/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.

Theo đó, điều kiện để người học được hỗ trợ đào tạo gồm: trong độ tuổi lao động (nữ từ đủ 15-55 tuổi; nam từ đủ 15-60 tuổi); có phương án tự tạo việc làm sau học nghề; lao động nông thôn; người khuyết tật; lao động bị mất việc làm; người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm và người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh.

Cụ thể, hỗ trợ chi phí đào tạo cho người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học.

Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học.

Người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh theo quy định tại Quyết định 63/2015/QĐ-TTg; lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học.

Người thuộc hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học.

Người học là phụ nữ, lao động nông thôn khác không thuộc các đối tượng quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản này tối đa 02 triệu/người/khóa học.

Trường hợp người học đồng thời thuộc các đối tượng nêu tại các Điểm a, b, c, d, đ Khoản này thì chỉ được hưởng một mức hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất.

Theo Thông tư này, hỗ trợ tiền ăn, đi lại đối với đối tượng người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng. Mức hỗ trợ tiền ăn là 30.000 đồng/người/ngày thực học. Mức hỗ trợ tiền đi lại là 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.

Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thì mức hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên.

Mỗi người chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần theo chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, những người trước đây đã được hỗ trợ đào tạo theo các chính sách hiện hành khác của Nhà nước thì không được tiếp tục hỗ trợ đào tạo theo chính sách quy định tại Thông tư này.

Thông tư 152/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/12/2016.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam Online

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

384 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;