Quy trình đấu thầu

Xin chào Thư Ký Luật. Sắp tới tôi muốn tham gia dự thầu và ký hợp đồng dịch vụ với một công ty nhưng vì là người mới vào ngành nên hiện tại tôi chưa rõ lắm về quy trình đấu thầu. Mong nhận được sự hỗ trợ từ Thư Ký Luật.

Thư Ký Luật xin giải đáp thắc mắc của Anh/Chị như sau:

Theo quy định của Luật Thương mại 2005 quy trình đấu thầu được tiến hành qua các bước

Bước 1: Mời thầu

  • Mục đích của bước này nhằm giúp cho bên mời thầu có thể tổ chức sơ tuyển các bên dự thầu nhằm lựa chọn những bên dự thầu có khả năng đáp ứng các điều kiện mà bên mời thầu đưa ra.
  • Hồ sơ mời thầu phải có đầy đủ các thông tin: Thông báo mời thầu; Các yêu cầu liên quan đến hàng hóa, dịch vụ được đấu thầu; Phương pháp đánh giá, so sánh, xếp hạng và lựa chọn nhà thầu; Những chỉ dẫn khác nhau liên quan đến việc đấu thầu.
  • Trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, bên mời thầu có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc gửi thông báo mời đăng ký dự thầu đến các nhà thầu đủ điều kiện trong trường hợp đấu thầu hạn chế.
    Hồ sơ mời thầu phải gồm các nội dung chủ yếu sau: Tên, địa chỉ của bên mời thầu; Tóm tắt nội dung đấu thầu; Thời hạn, địa điểm và thủ tục nhận hồ sơ mời thầu; Thời hạn, địa điểm, thủ tục nộp hồ sơ dự thầu; Những chỉ dẫn để tìm hiểu hồ sơ mời thầu.

Bước 2: Dự thầu.

  • Sau khi có thông báo mời thầu, các thương nhân quan tâm đến gói thầu có thể quyết định tham gia dự thầu.
  • Khi nộp hồ sơ dự thầu, bên mời thầu có thể yêu cầu bên dự thầu nộp tiền đặt cọc, ký quỹ hoặc bảo lãnh dự thầu theo hình thức, điều kiện mà bên mời thầu quy định. Tỷ lệ tiền đặt cọc, ký quỹ dự thầu do bên mời thầu quy định, nhưng không quá 3% tổng giá trị ước tính của hàng hóa, dịch vụ đấu thầu.
    Trong trường hợp rút hồ sơ dự thầu sau thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thầu (tức tại thời điểm đóng thầu), không ký hợp đồng hoặc từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp trúng thầu thì Bên dự thầu không được nhận lại tiền đặt cọc, ký quỹ dự thầu.
  • Bên mời thầu phải bảo mật hồ sơ dự thầu. Đồng thời, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức đấu thầu và xét chọn thầu phải giữ bí mật thông tin liên quan đến việc đấu thầu.

Bước 3: Mở thầu.

  • Mở thầu là việc tổ chức mở hồ sơ dự thầu tại thời điểm đã được ấn định hoặc trong trường hợp không có thời điểm được ấn định trước thì thời điểm mở thầu là ngay sau khi đóng thầu.
  • Những hồ sơ dự thầu nộp đúng hạn phải được bên mời thầu mở công khai. Các bên dự thầu có quyền tham dự mở thầu.
    Những hồ sơ dự thầu nộp không đúng hạn sẽ không được chấp nhận và được trả lại cho bên dự thầu dưới dạng chưa mở.
  • Khi mở thầu, bên mời thầu tiến hành xét tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu. Bên mời thầu có thể yêu cầu các bên dự thầu giải thích những nội dung chưa rõ ràng trong hồ sơ dự thầu. Việc yêu cầu và giải thích hồ sơ dự thầu phải được lập thành văn bản.

Bước 4: Đánh giá, so sánh hồ sơ dự thầu.

  • Hồ sơ dự thầu sẽ được đánh giá và so sánh theo từng tiêu chuẩn đã được bên mời thầu quy định, từ đó làm căn cứ để đánh giá toàn diện. Các tiêu chuẩn này được đánh giá bằng phương pháp cho điểm theo thang điểm hoặc phương pháp khác đã được ấn định trước khi mở thầu.
  • Trong quá trình đánh giá và so sánh các hồ sơ dự thầu, bên mời thầu có thể yêu cầu bên dự thầu làm rõ các vấn đề có liên quan đến hồ sơ dự thầu. Yêu cầu của bên mời thầu và ý kiến trả lời của bên dự thầu phải được lập thành văn bản.
    Trường hợp bên mời thầu sửa đổi một số nội dung trong hồ sơ mời thầu, bên mời thầu phải gửi nội dung đã sửa đổi bằng văn bản đến tất cả các bên dự thầu trước thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ dự thầu ít nhất là mười ngày để các bên dự thầu có điều kiện hoàn chỉnh thêm hồ sơ dự thầu của mình.

Bước 5: Xếp hạng và lựa chọn nhà thầu.

  • Căn cứ vào kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu, bên mời thầu phải xếp hạng và lựa chọn các bên dự thầu theo phương pháp đã xác định trước đó.
    Trong trường hợp có nhiều bên tham gia dự thầu có số điểm, tiêu chuẩn trúng thầu ngang nhau thì bên mời thầu có quyền chọn nhà thầu.

Bước 6. Thông báo kết quả đấu thầu và ký kết hợp đồng.

  • Ngay sau khi có kết quả đấu thầu, bên mời thầu có trách nhiệm thông báo kết quả đấu thầu cho bên dự thầu.
  • Bên mời thầu tiến hành hoàn thiện và ký kết hợp đồng với bên trúng thầu trên cơ sở sau đây:
    Kết quả đấu thầu;
    Các yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu;
    Nội dung nêu trong hồ sơ dự thầu.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thương mại hiện hành, quy trình đấu thầu trải qua 6 bước cơ bản. Đồng thời, pháp luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của bên mời thầu và bên dự thầu trong mỗi bước.

7316 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;