Tất tần tật những điều mà người lao động cần biết để bảo vệ quyền lợi của mình

Nhằm giúp Quý Khách hàng, Thành viên có thể nắm được các quy định pháp luật hiện hành về lao động và bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, Thư Ký Luật xin tổng hợp một số vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động như sau.

1. Toàn bộ trường hợp người lao động nghỉ làm không mất lương năm 2019

Căn cứ Điều 111, 112, 115, 116 Bộ luật Lao động 2012 thì các trường hợp người lao động được nghỉ làm và hưởng nguyên lương gồm có:

- Tết Dương lịch: Nghỉ 01 ngày (01/01/2019)

- Tết Âm lịch: Nghỉ 05 ngày liên tục (01 ngày cuối năm và 04 ngày đầu năm hoặc 02 ngày cuối năm và 03 ngày đầu năm Âm lịch)

- Ngày Chiến thắng: Nghỉ 01 ngày (ngày 30/04/2019)

- Ngày Quốc tế lao động: Nghỉ 01 ngày (ngày 01/05/2019)

- Ngày Quốc khánh: Nghỉ 01 ngày (ngày 02/09/2019)

- Ngày Giỗ tổ Hùng Vương: Nghỉ 01 ngày (ngày 10/3 Âm lịch)

- Kết hôn: Nghỉ 03 ngày

- Con kết hôn: Nghỉ 01 ngày

- Bố/mẹ đẻ chết: Nghỉ 03 ngày

- Bố vợ/mẹ vợ chết hoặc bố chồng/mẹ chồng chết: Nghỉ 03 ngày

- Vợ/chồng chết: Nghỉ 03 ngày

- Con chết: Nghỉ 03 ngày

- Ngày nghỉ hàng năm (12 ngày/năm với làm việc từ đủ 12 tháng trở lên) và ngày nghỉ hàng năm tăng thêm theo thâm niên.

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 9 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP thì tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động vào những ngày nghỉ kể trên là tiền lương theo hợp đồng lao động chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày người lao động nghỉ hằng năm, nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương.

►►►Xem thêm các nôi dung tại bài viết: Toàn bộ trường hợp người lao động nghỉ làm không mất lương năm 2019.

2. Tăng mức hưởng chế độ thai sản cho lao động nam từ ngày 01/7/2019

Theo quy định tại Điều 38 Luật bảo hiểm xã hội 2014, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con thì ngoài việc được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo Khoản 2 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì còn được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con trong trường hợp vợ sinh con nhưng chỉ có chồng tham gia bảo hiểm xã hội, với điều kiện, lao động nam phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi vợ sinh con.

Như vậy, mới mức lương cơ sở hiện tại là 1.390.000 đồng/tháng thì lao động nam sẽ nhận được khoản trợ cấp một lầm khi vợ sinh con là 2.780.000 đồng. Nhưng theo Nghị quyết 70/2018/QH14, kể từ ngày 01/7/2019, mức lương cơ sở được chiều chỉnh tăng lên mức 1.490.000 đồng/tháng, theo đó, mức trợ cấp này cũng được tăng tương ứng, cụ thể tăng lên mức 2.980.000 đồng.

►►►Xem thêm các nôi dung tại bài viết: Tăng mức hưởng chế độ thai sản cho lao động nam từ ngày 01/7/2019.

3. Các trường hợp NLĐ được miễn, giảm thuế TNCN từ tiền lương

Theo quy định tại Khoản 9, 10 và 15 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 (sửa đổi bổ sung năm 2012 và năm 2014) và Khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014 thì người lao động sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công sau đây:

  • Phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật;
  • Phần tiền lương làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm trong giờ theo quy định của pháp luật;
  • Tiền lương hưu do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả;
  • Tiền lương hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả hàng tháng;
  • Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt Nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 5 Luật thuế Thu nhập cá nhân 2007, Điều 5 Nghị định 65/2013/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì trong trường hợp người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.

Việc xét giảm thuế được thực hiện theo năm tính thuế. Người nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo trong năm tính thuế nào thì được xét giảm số thuế phải nộp của năm tính thuế đó.

►►►Xem thêm các nôi dung tại bài viết: Để được miễn, giảm thuế TNCN từ tiền lương, NLĐ cần biết điều này.

4. 07 trường hợp bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp năm 2019

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 53 Luật việc làm 2013, người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo trong những trường hợp sau:

  • Tìm được việc làm;
  • Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
  • Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
  • Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
  • Bị tòa án tuyên bố mất tích;
  • Bị tạm giam;
  • Chấp hành hình phạt tù.

Lưu ý: Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo nguyên tắc mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.

►►►Xem thêm các nôi dung tại bài viết: Tất tần tật những điều cần lưu ý về bảo hiểm thất nghiệp năm 2019.

5. Ép NLĐ đi làm vào ngày lễ, Tết, doanh nghiệp có thể bị phạt đến 50 triệu đồng

Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2012, người lao động sẽ được nghỉ làm và hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau:

  • Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
  • Tết Âm lịch 05 ngày;
  • Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
  • Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
  • Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);
  • Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Nếu người sử dụng lao động ép buộc người lao động phải đi làm vào những ngày lễ này mà không có sự đồng ý của người lao động thì sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 15 triệu đồng theo quy định tại Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP với mức phạt cụ thể như sau:

  • Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
  • Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
  • Từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
  • Từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
  • Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên

Đặc biệt, nếu người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật lao động 2012 hoặc quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ thì sẽ bị phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

►►►Xem thêm các nôi dung tại bài viết: Không cho NLĐ nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 01/5 sẽ bị phạt đến 15 triệu đồng.

6. Người lao động nghỉ ốm vẫn có thể được hưởng nguyên lương

Đây là nội dung đáng chú ý được quy định tại Bộ luật Lao động 2012 và Luật bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, khi người lao động nghỉ ốm đau thì vẫn được hưởng lương trong một số trường hợp sau đây:

* Hưởng nguyên lương nếu nghỉ ốm theo chế độ nghỉ phép năm

Căn cứ Điều 111 Bộ luật Lao động 2012 thì người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động. Do đó, nếu người lao động bị ốm và sử dụng ngày nghỉ phép năm để đi khám bệnh thì vẫn được hưởng nguyên lương cho ngày đã nghỉ.

* Mức lương được hưởng khi nghỉ việc theo chế độ ốm đau

Dù không được hưởng nguyên lương giống như chế độ nghỉ phép năm nhưng nếu người lao động đi khám bệnh và có giấy xác nhận nghỉ ốm đau được cấp bởi bệnh viện có thẩm quyền thì vẫn được hưởng lương cho những ngày đã nghỉ theo chế độ ốm đau quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Theo Khoản 4 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Khoản 1 Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính như sau:

Mức hưởng = (Tiền lương tháng đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc/24 ngày) x 75% x Số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau

Lưu ý: Nếu người lao động bị mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày thì mức hưởng và thời gian hưởng được tính theo Khoản 2 Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.

►►►Xem thêm các nôi dung tại bài viết: Người lao động nghỉ ốm vẫn có thể được hưởng nguyên lương.

7. Các trường hợp được tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội

Theo quy định tại Điều 88 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 và Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, Điều 29 Tông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người sử dụng lao động được quyền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho người lao động trong các trường hợp sau:

- Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế;

- Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa.

- Người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà bị tạm giam thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.

- Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Khoản 2 Điều 2 của 115, khi tạm thời bị mất việc làm được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài xác nhận thì thời gian này được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

- Người lao động bị tạm đình chỉ công việc thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.

►►►Xem thêm các nôi dung tại bài viết: Khi nào được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc?.

8. Công ty có được quyền giữ sổ BHXH khi người lao động nghỉ việc?

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, một trong những trách nhiệm của người sử dụng lao động là phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Theo đó, người sử dụng lao động phải hoàn trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời hạn 07 ngày làm việc, trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Việc công ty vẫn giữ sổ bảo hiểm xã hội của người lao động và không hoàn trả cho người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động là hành vi vi phạm quy định pháp luật về lao động. Trong trường hợp này, người lao động có quyền gửi đơn khởi kiện đến tòa án nhân nơi công ty có trụ sở chính để yêu cầu tòa án giải quyết, buộc công ty phải thực hiện trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động.

►►►Xem thêm các nôi dung tại bài viết: Công ty có được quyền giữ sổ BHXH khi người lao động nghỉ việc?.

9. Cách tra cứu thời gian tham gia BHXH bằng một bước đơn giản

Nhằm hỗ trợ cho các cá nhân, đơn vị thuận tiện trong việc theo dõi quá trình tham gia BHXH, BHYT của mình, mới đây, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có Công văn 330/CNTT-PM cung cấp hình thức tra cứu quá trình đóng BHXH, BHYT bằng tin nhắn SMS .

Theo đó, người lao động và doanh nghiệp có thể tra cứu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động bằng việc thực hiện gửi tin nhắn SMS với cú pháp đơn giản sau:

TC BHXH (mã số bảo hiểm xã hội) gửi 8179

Ví dụ: TC BHXH 0110129425

Sau khi gửi nội dung tin nhắn nhận được sẽ là: Mã số BHXH 0110129425, Thời gian tham gia BHXH: 2 năm; Thời gian tham gia: 2 năm (Tổng thời gian tham gia BHXH: 9 năm 7 tháng; Tổng thời gian tham gia BHTN: 8 năm 8 tháng).

Ngoài ra, mọi người có thể sử dụng tin nhắn SMS để tra cứu các nội dung khác như thời hạn sử dụng thẻ BHYT, tra cứu thời gian tham gia BHXH theo khoảng thời gian theo năm, tra cứu hồ sơ đã nộp, tình trạng hồ sơ.

►►►Xem thêm các nôi dung tại bài viết: Cách tra cứu thời gian tham gia BHXH bằng một bước đơn giản.

 

- Nguyễn Trinh - 

4221 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;