Thông tư 10: Bước tiến mới về thủ tục trong giao dịch trái phiếu

Từ 1/9 tới, Thông tư 10/2017/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trái phiếu sẽ chính thức có hiệu lực. Với các quy định mới, Thông tư này được đánh giá sẽ là một bước tiến mới về cải cách thủ tục, nâng cao tính minh bạch cho thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên thị trường.

Thông tư 10/2017/TT-BTC (Thông tư 10) sửa đổi, bổ sung Thông tư 234/2012/TT-BTC hướng dẫn quản lý giao dịch trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương đã được Bộ Tài chính ban hành và có hiệu lực từ 1/9/2017.

Theo đó, Khoản 2 Điều 7, Thông tư đã bổ sung thêm về điều kiện buộc chấm dứt tư cách thành viên khi giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động hoặc bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động; hoặc tổ chức chấm dứt tồn tại sau khi hợp nhất (công ty bị hợp nhất), sáp nhập (công ty bị sáp nhập), chia (công ty bị chia); hoặc tổ chức hình thành sau khi sáp nhập (công ty nhận sáp nhập), tách (công ty bị tách) nhưng không đáp ứng được điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư 234/2012/TT-BTC.

Về loại hình trái phiếu chính phủ niêm yết, Thông tư 10 đã rút ngắn còn 3 loại hình: Trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương.

 Với Thông tư 10, tính minh bạch của thị trường trường trái phiếu kỳ vọng gia tăng. Ảnh: DT

Một điểm mới nổi bật tại Thông tư là các quy định về chế độ báo cáo của các thành viên, hình thức báo cáo được thay đổi, loại bỏ việc bắt buộc báo cáo bằng văn bản thay vào đó sử dụng hệ thống tiếp nhận dữ liệu điện tử.

Cùng với đó, các quy định về giao dịch mua bán thông thường và giao dịch mua bán lại cũng được quy định chặt chẽ hơn với việc thêm vào điều kiện: “Kết quả giao dịch phải được báo cáo và nhập vào hệ thống giao dịch trong cùng ngày làm việc sau khi các bên thỏa thuận xong về giao dịch. Thông tin báo cáo thực hiện theo hướng dẫn của Sở GDCK Hà Nội, trong đó bao gồm: Thời điểm giao kết giao dịch; thời điểm ký hợp đồng và thời điểm thực hiện giao dịch và các thông tin khác có liên quan”.

Như vậy, thành viên sẽ phải thực hiện báo cáo và nhập kết quả giao dịch vào hệ thống trong cùng ngày làm việc sau khi các bên thỏa thuận xong về giao dịch. Nhiều ý kiến cho rằng, “với quy định này, tính minh bạch hóa, tính chính xác của dữ liệu giao dịch, kỳ vọng sẽ được cải thiện”.

Bên cạnh đó, theo Thông tư 10, các quy định về công bố thông tin của các thành viên giao dịch thông thường, nghĩa vụ công bố thông tin được cập nhật mới và điều chỉnh theo Thông tư 155/2015/TT-BTC thay vì Thông tư 52/2012/TT-BTC về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, Thông tư 10 cũng đưa ra các bản phụ lục báo cáo tháng về hoạt động kinh doanh trái phiếu có bổ sung phần giao dịch bán và mua lại (hợp đồng tương lai) và giao dịch vay trái phiếu (hoạt động bán khống).

Đánh giá về những điểm mới này, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cho rằng, Thông tư 10 là tín hiệu tích cực hơn đối với thị trường trái phiếu khi văn bản này thể hiện nỗ lực của cơ quan chủ quản trong việc hoàn thiện thể chế pháp lý, đưa tới thêm nhiều sản phẩm cho thị trường. Đồng thời, việc sử dụng chế độ báo cáo văn bản dữ liệu điện tử thay vì văn bản giấy sẽ giúp tiết kiệm thời gian công sức của các thành viên trên thị trường. Trong khi đó, tính minh bạch cũng được nâng cao khi kết quả giao dịch mua bán trái phiếu và mua bán lại cũng phải được công bố ngay trong ngày.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam Online

403 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;