Toàn bộ giải đáp của TANDTC về thủ tục hòa giải tố tụng dân sự

Sau đây, Thư Ký Luật chia sẻ đến Quý thành viên phần tổng hợp các giải đáp của Tòa án nhân dân tối cao về việc thực hiện và giải quyết thủ tục hòa giải trong tố tụng dân sự.

 

1. Các trường hợp vụ việc dân sự được công nhận là hòa giải thành

  • Các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án và được Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận;

  • Sau khi hòa giải, nguyên đơn rút đơn khởi kiện, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với lý do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện;

  • Vụ án ly hôn, tranh chấp con nuôi, chia tài sản khi ly hôn sau khi được Thẩm phán tiến hành hòa giải mà các đương sự không đoàn tụ nhưng thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản chung và được Tòa án công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo luật định;

  • Việc dân sự yêu cầu thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ và được Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu.

2. Khoản 1 Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015) quy định: “Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự”. Vậy đến ngày thứ 09, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến, Thẩm phán mới ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự thì có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng do chậm ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự không?

Khoản 3 Điều 203 BLTTDS 2015 quy định: "Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây: a) Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; c) Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; d) Đưa vụ án ra xét xử”.

Như vậy, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự phải được ban hành trong thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại khoản 3 Điều 203 BLTTDS 2015. Để đảm bảo nguyên tắc Tòa án xét xử kịp thời theo quy định tại khoản 1 Điều 15 BLTTDS 2015, Thẩm phán phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự ngay sau khi kết thúc thời hạn 07 kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 147 và khoản 5 Điều 148 BLTTDS 2015 quy định khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định; khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.

Như vậy, nếu đến ngày thứ 09, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến, Thẩm phán mới ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là có vi phạm thời hạn ra quyết định nhưng không coi đó là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

3. Trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn, sau khi hòa giải vợ chồng thống nhất đoàn tụ nhưng không rút đơn khởi kiện thì Tòa án ra quyết định hòa giải thành hay ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án?

Trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn, nếu sau khi hòa giải, vợ chồng thống nhất đoàn tụ thì cần xác định đây là trường hợp nguyên đơn rút lại yêu cầu khởi kiện. Tòa án căn cứ điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

4. Trong vụ án có nhiều đương sự, nếu có một đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị không tiến hành hòa giải thì có thuộc trường hợp vụ án dân sự không hòa giải được theo quy định tại khoản 4 Điều 207 BLTTDS 2015 không?

Khoản 4 Điều 207 BLTTDS 2015 quy định một trong các trường hợp vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được là: “Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải”. Như vậy, trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đề nghị không tiến hành hòa giải là trường hợp vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 209 BLTTDS 2015, nếu trong vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành hòa giải và việc tiến hành hòa giải không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành hòa giải giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên hòa giải. Thẩm phán phải thông báo việc hoãn phiên hòa giải và việc mở lại phiên hòa giải cho đương sự.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 212 BLTTDS 2015, nếu các đương sự có mặt tại phiên hòa giải thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản.

(Các nội dung nêu trên căn cứ theo Công văn 55/TANDTC-PCCông văn 01/GĐ-TANDTC)

22301 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;