Xe máy có được phép rẽ phải khi đèn đỏ?

Trên thực tế hiện nay việc rẽ phải khi có đèn đỏ là việc diễn ra rất phổ biến. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì đèn đỏ có được phép rẽ phải không? Nếu được thì những trường hợp nào được phép rẽ phải?

Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì khi thấy đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải dừng lại. Tuy nhiên, theo quy định thì có một số trường hợp được phép rẽ phải như sau:

Theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông

Tại Điều 3 Thông tư 17/2012/TT-BGTVT (còn hiệu lực đến ngày 31/10/2016) Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ quy định thứ tự hiệu lực của hệ thống báo hiệu:

Khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu cùng ở một khu vực có ý nghĩa khác nhau, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự như sau:

  1. Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
  2. Tín hiệu đèn hoặc cờ;
  3. Hiệu lệnh của biển báo hiệu;
  4. Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.

Như vậy, khi đèn đỏ bạn được phép rẽ phải khi có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mà không phải tuân thủ đèn tín hiệu giao thông. Lúc này, tất cả phương tiện chạy theo hướng người điều khiển giao thông chỉ định.

Theo đèn tín hiệu giao thông

Có đèn tín hiệu giao thông báo hiệu ưu tiên cho phép lưu thông được lắp đặt kèm theo – cụ thể là đèn phụ có hình mũi tên đèn xanh (đỏ). Trong trường hợp đèn này chuyển xanh thì người điều khiển xe hai bánh được phép rẽ theo hướng mũi tên nhưng phải nhường đường cho các phương tiện lưu thông từ các hướng khác được phép đi. Ngược lại, khi đèn tín hiệu giao thông mũi tên chuyển đỏ thì người điều khiển phải cho xe dừng lại, không được đi theo hướng mũi tên. Lúc này, các phương tiện cần chú ý đứng đúng làn đường chờ rẽ cho hướng đi bị cấm.

Dựa vào biển báo giao thông

Có biển báo hiệu cho phép các xe lưu thông được lắp đặt kèm theo. Theo đó, các phương tiện xe máy sẽ được phép rẽ phải khi đèn đỏ nếu thấy biển báo giao thông cho phép rẽ phải. Lúc này các phương tiện phải bật đèn tín hiệu xin đường (xi-nhan) và phải nhường đường cho người đi bộ.

Theo tiểu đảo để phân luồng cho phép các xe rẽ phải trước khi đến đèn tín hiệu giao thông

Đây là trường hợp dựa theo vạch kẻ đường. Thường thì khi gặp biển báo giao thông cho phép rẽ phải hay đèn tín hiệu cho phép rẽ thì chúng ta sẽ còn bắt gặp vạch mắt võng. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ tại Thông tư 17/2012/TT-BGTVT thì vạch kiểu mẵt võng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện ở ngã tư hoặc chỗ cửa ra, cửa vào có vạch này để tránh ùn tắc giao thông. Tùy sự cần thiết mà vẽ ở ngã tư hoặc ở cửa ra, cửa vào đường chính nơi dễ xảy ra việc ùn tắc phương tiện - Nét vẽ màu vàng, vạch vành ngoài rộng 20cm, vạch mắt võng bên trong nghiêng 45° so với vành ngoài, vạch rộng 10cm khoảng cách đường chéo 1 - 5m xem Vạch số 52. Khi đi trên vạch mắt võng này bắt buộc phải rẽ, không được dừng đỗ hay đi thẳng. 

Ngoài các trường hợp nêu trên, xe máy khi lưu thông không được phép rẽ phải khi có đèn đỏ. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bj xử phạt với mức từ 300.000 đồng - 400.000 đồng với lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (Nghị định 46/2016/NĐ-CP).

2061 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;