Chính Phủ muốn môi trường kinh doanh Việt Nam đạt top 4 nước ASEAN

Đây là mục tiêu được đặt ra trong Nghị quyết 19/2017/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017.

 

Như Nghị quyết 19-2017/NQ-CP đã nêu, tình hình môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 9 bậc, đứng thứ 82/190 trong bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới; xếp hạng Chính phủ điện tử (theo đánh giá của Liên hợp quốc), Việt Nam đứng thứ 89 trên thế giới, tăng 10 bậc so với xếp hạng năm 2014, xếp thứ 63 trong ASEAN. Thế nhưng, xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới thì thứ hạng của Việt Nam lại giảm 4 bậc so với năm 2015 (từ vị trí 56 xuống thứ 60), thấp hơn hầu hết các nước ASEAN (sau 6 nước); năng lực cạnh tranh toàn cầu lại giảm 4 bậc xuống vị trí thứ 60, chỉ số sáng tạo giảm 7 bậc xuống vị trí thứ 59/128.

Trong 03 năm qua, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã có những bước tiến cải thiện môi trường kinh doanh mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN 4 thì đòi hỏi Việt Nam mình phải có nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực.

Rút ngắn thời gian của nhiều thủ tục trong năm 2017

Để thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh và đạt được các chỉ tiêu trung bình của nhóm 4 nước ASEAN, Chính phủ đặt ra một số mục tiêu rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục:

  • Nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm. Trong đó: Thuế là 119 giờ (kết quả hiện tại là 351 giờ) và Bảo hiểm xã hội là 49 giờ (kết quả hiện tại là 189 giờ).
  • Cấp phép xây dựng và thủ tục liên quan không quá 120 ngày (kết quả hiện tại là 166 ngày);
  • Thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng tối đa 300 ngày (kết quả hiện tại là 400 ngày);
  • Thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp giảm xuống còn 30 tháng (giảm một nửa so với kết quả hiện tại là 5 năm tương đương 60 tháng).

Thời gian thực hiện các thủ tục trên tiếp tục rút ngắn nữa cho đến năm 2020.

Năng lực cạnh tranh đạt điểm số trung bình nhóm nước ASEAN 4

Số điểm các nhóm chỉ tiêu cần đạt tối thiểu:

  • Các yêu cầu cơ bản (gồm: Thể chế, Cơ sở hạ tầng, Môi trường kinh tế vĩ mô, và Y tế và giáo dục tiểu học) đạt 4,8 điểm (hiện nay là 4,5 điểm);
  • Nâng cao hiệu quả (gồm Đào tạo và giáo dục bậc cao, Hiệu quả của thị trường hàng hóa, Hiệu quả của thị trường lao động, Hiệu quả của thị trường tài chính, Mức độ sẵn sàng về công nghệ, và Quy mô thị trường) đạt 4,4 điểm (hiện nay là 4.1 điểm);
  • Đổi mới và mức độ tinh thông trong kinh doanh (gồm: Sự tinh vi trong kinh doanh, Đổi mới công nghệ) đạt 3,8 điểm (hiện nay là 3,5 điểm).

Chỉ số đổi mới sáng tạo đạt trung bình ASEAN 5

Số điểm các nhóm chỉ số đổi mới sáng tạo cần đạt tối thiểu:

  • Thể chế đạt (gồm: Môi trường chính trị, Môi trường pháp lý và môi trường kinh doanh) đạt 55 điểm (hiện nay là 51,7 điểm);
  • Nguồn nhân lực và nghiên cứu (gồm: Giáo dục; Nghiên cứu và Phát triển) đạt 31 điểm (hiện nay là 30,1 điểm);
  • Cơ sở hạ tầng (gồm: Công nghệ thông tin; Cơ sở hạ tầng chung; và Bền vững sinh thái) đạt 43 điểm (hiện nay là 36,7 điểm);
  • Trình độ phát triển của thị trường (gồm: Tín dụng; Đầu tư; Thương mại, cạnh tranh) đạt 51 điểm (hiện nay 43,0 điểm);
  • Trình độ phát triển kinh doanh (gồm: Tính chuyên nghiệp, sự hiểu biết của đội ngũ lao động; Liên kết đổi mới sáng tạo; Sự hấp thụ kiến thức) đạt 35 điểm (hiện nay là 30,6 điểm).

 

Chính phủ đặt ra nhiều mục tiêu để thực hiện Chính phủ điện tử

Để thực hiện Chính phủ điện tử, Chính Phủ đã đặt ra các mục tiêu:

  • Cải cách toàn diện cả 3 nhóm chỉ số gồm: Hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực và dịch vụ công trực tuyến;
  • Phấn đấu hết năm 2017, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3;
  • Cho phép sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ, trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).

Ngoài ra, Nghị quyết 19 còn quy định các nhiệm vụ cụ thể với từng mục tiêu, các chỉ số cụ thể ở phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 19, trách nhiệm thực hiện của các Bộ ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ này.

Xem chi tiết Nghị quyết 19/2017/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 06/02/2017. 

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
689 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;