Công ty hợp danh và những điều cần biết khi thành lập

Công ty hợp danh là loại hình công ty đối nhân được thành lập trên cơ sở niềm tin của các thành viên hợp danh. Dưới đây là những điều cần biết khi thành lập công ty hợp danh.

Công ty hợp danh, Luật Doanh nghiệp 2014

Công ty hợp danh và những điều cần biết khi thành lập (Ảnh minh họa)

1. Công ty hợp danh là gì?

Theo Điều 172 Luật Doanh nghiệp 2014 (Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) quy định công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:

  • Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;

  • Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

  • Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

Lưu ý: Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

2. Điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập công ty hợp danh

Theo quy định tại Quyết định 1523/QĐ-BKHĐT, điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập công ty hợp danh cụ thể như sau:

  • Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;

  • Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định, lưu ý một số quy định như: tên bao gồm hai thành tố (loại hình và tên riêng); những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp; tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp; tên trùng và tên gây nhầm lẫn.

  • Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ (có đầy đủ giấy tờ đăng ký thành lập và nội dung các giấy tờ này phải được kê khai đầy đủ theo quy định của pháp luật);

  • Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.

>>> Xem thêm: Thủ tục đăng ký thành lập công ty hợp danh

3. Một số quyền hạn chế đối với thành viên hợp danh của công ty hợp danh

Theo Điều 175 Luật Doanh nghiệp 2014 (Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2020) quy định những hạn chế quyền đối với thành viên hợp danh cụ thể như sau:

  • Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại;

  • Thành viên hợp danh không được quyền nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác thực hiện kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty đó để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

  • Thành viên hợp danh không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.

4. Cơ cấu tổ chức của công ty hợp danh

Cơ cấu công ty hợp danh bao gồm:

  • Hội đồng thành viên: bao gồm toàn bộ thành viên hợp danh và thành viên góp vốn;

  • Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc: là thành viên hợp danh được Hội đồng thành viên bầu.

Trong đó, Hội đồng thành viên là cơ quan có quyền lực cao nhất và quyết định tất cả công việc kinh doanh của công ty. Thành viên hợp danh có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Mọi hạn chế đối với thành viên hợp danh trong thực hiện công việc kinh doanh hằng ngày của công ty chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi người đó được biết về hạn chế đó.

5. Tài sản của công ty hợp danh và thực hiện nghĩa vụ góp vốn

Tại Điều 174 Luật Doanh nghiệp 2014 (Điều 179 Luật Doanh nghiệp 2020) quy định tài sản của công ty hợp danh bao gồm:

  • Tài sản góp vốn của các thành viên đã được chuyển quyền sở hữu cho công ty;

  • Tài sản tạo lập được mang tên công ty;

  • Tài sản thu được từ hoạt động kinh doanh do các thành viên hợp danh thực hiện nhân danh công ty và từ các hoạt động kinh doanh của công ty do các thành viên hợp danh nhân danh cá nhân thực hiện;

  • Các tài sản khác theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tại Điều 73 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn như đã cam kết. Thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty.

Đối với trường hợp có thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.

6. Công ty hợp danh có thể tiếp nhận thêm thành viên mới

Theo quy định tại Điều 181 Luật Doanh nghiệp 2014 (Điều 186 Luật Doanh nghiệp 2020) quy định công ty hợp danh có thể tiếp nhận thêm thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn và việc tiếp nhận thành viên mới của công ty phải được Hội đồng thành viên chấp thuận. Thành viên hợp danh mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty, trừ trường hợp thành viên đó và các thành viên còn lại có thỏa thuận khác.

Lưu ý: Thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn phải nộp đủ số vốn cam kết góp vào công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được chấp thuận (trừ trường hợp Hội đồng thành viên quyết định thời hạn khác).

>>> Xem thêm: 6 điều cần biết khi muốn thành lập doanh nghiệp tư nhân

7. Các trường hợp thành viên hợp danh bị chấm dứt tư cách thành viên trong công ty hợp danh

Tại Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định tư cách thành viên hợp danh chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

  • Tự nguyện rút vốn khỏi công ty;

  • Đã chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự;

  • Bị khai trừ khỏi công ty;

  • Các trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.

Tại Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm trường hợp thành viên hợp danh sẽ chấm dứt tư cách thành viên trong trường hợp chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật.

Trường hợp thành viên hợp danh có quyền rút vốn khỏi công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận. Trường hợp này, thành viên muốn rút vốn khỏi công ty phải thông báo bằng văn bản yêu cầu rút vốn chậm nhất 06 tháng trước ngày rút vốn; chỉ được rút vốn vào thời điểm kết thúc năm tài chính và báo cáo tài chính của năm tài chính đó đã được thông qua.

Bên cạnh đó, thành viên hợp danh còn có thể bị khai trừ khỏi công ty trong các trường hợp sau đây:

  • Không có khả năng góp vốn hoặc không góp vốn như đã cam kết sau khi công ty đã có yêu cầu lần thứ hai;

  • Vi phạm quy định về hạn chế quyền đối với thành viên hợp danh;

  • Tiến hành công việc kinh doanh không trung thực, không cẩn trọng hoặc có hành vi không thích hợp khác gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của công ty và các thành viên khác;

  • Không thực hiện đúng các nghĩa vụ của thành viên hợp danh.

Lưu ý: Trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh do tự nguyện rút vốn khỏi công ty hoặc bị khai trừ khỏi công ty thì người đó vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên.

Lê Vy

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1888 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;