Luật Đầu tư 2014: Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính

Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015, thay thế cho Luật Đầu tư năm 2005 với nhiều thay đổi quan trọng, đặc biệt là các quy định về cấm đầu tư, đầu tư có điều kiện và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư.

Thay đổi quan trọng nhất của Luật Đầu tư 2014 là việc tạo lập cơ sở pháp lý minh bạch để bảo đảm thực hiện quyền tự do đầu tư kinh doanh của công dân trong các ngành, nghề mà luật không cấm thông qua các quy định về ngành, nghề cấm đầu tư và đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Trên cơ sở rà soát, loại bỏ các ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh trùng lặp theo các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Thương mại, Luật Đầu tư mới quy định 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, gồm: kinh doanh các chất ma túy; các loại hóa chất, khoáng vật độc hại; mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã, mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm có nguồn gốc từ tự nhiên; mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; các hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người.

Trong 386 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành, Luật Đầu tư 2014 quy định cụ thể danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh theo nguyên tắc bãi bỏ các ngành, nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý, không rõ ràng, tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ đối với nhà đầu tư.

Luật cũng sửa đổi một số điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng giảm thiểu hình thức cấp phép, xác nhận hoặc chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chuyển sang áp dụng hình thức ban hành quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để nhà đầu tư tự đăng ký thực hiện và cơ quan quản lý tiến hành hậu kiểm...

Luật Đầu tư 2014 cũng đã cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, đơn giản và bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư với những nội dung sửa đổi, bổ sung, gồm:

Thứ nhất, Luật đã bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước.

Thứ hai, Luật đã đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài với thời hạn tối đa 15 ngày thay cho 45 ngày như trước đây.

Cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, Luật đã bổ sung, hoàn thiện một số quy định nhằm nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện dự án đầu tư.

Chẳng hạn như bổ sung quy định về bảo đảm nghĩa vụ thực hiện dự án của nhà đầu tư dưới hình thức ký quỹ; bổ sung quy định về giám định chất lượng máy móc, thiết bị, công nghệ nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư; hoàn thiện các quy định về chuyển nhượng dự án đầu tư, giãn tiến độ đầu tư, tạm ngừng hoạt động đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư... theo hướng xác định cụ thể điều kiện, thủ tục thực hiện các hoạt động này, cũng như trách nhiệm của nhà đầu tư và thẩm quyền giải quyết của cơ quan quản lý ở địa phương.

Thứ ba, Luật quy trình thành lập doanh nghiệp (DN) của nhà đầu tư nước ngoài theo hướng bãi bỏ yêu cầu cấp giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) để tách bạch đầu tư theo dự án với đăng ký kinh doanh.

Theo hướng này, sau khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập DN tại cơ quan đăng ký kinh doanh như nhà đầu tư trong nước.

Bên cạnh đó, Luật cũng làm rõ địa vị pháp lý của DN có vốn đầu tư nước ngoài để làm cơ sở áp dụng thống nhất điều kiện và thủ tục đầu tư đối với các DN này theo hướng chỉ các DN có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 51% hoặc DN có các DN nêu trên nắm giữ trên 51% mới phải áp dụng điều kiện và thủ tục như nhà đầu tư nước ngoài.

Những trường hợp còn lại, DN áp dụng điều kiện và thủ tục đầu tư như nhà đầu tư trong nước.

Thứ tư, Luật quy trình góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo hướng cho phép nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện thủ tục thay đổi thành viên theo quy định của pháp luật về DN mà không phải thực hiện thủ tục đầu tư, trừ trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào DN kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài hoặc trường hợp nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp.

Để cải cách quy trình này, Luật Đầu tư 2014 đã phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư và Luật Chứng khoán trong việc mua cổ phần, quy định chi tiết các hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài và làm rõ điều kiện phải tuân thủ của nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn: Doanhnhansaigon.vn

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
395 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;