Nghị định 35: Hướng dẫn 4 hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho dự án PPP

Mới đây, Nghị định 35/2021/NĐ-CP được ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, có hiệu lực từ ngày 29/3/2021. Theo đó, các quy định hướng dẫn đối với 04 hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho dự án PPP là một trong những điểm đáng chú ý.

Hướng dẫn 4 hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho dự án PPP

Hướng dẫn 4 hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho dự án PPP (Ảnh minh họa)

1. Hình thức đấu thầu rộng rãi

Trước tiên, cần hiểu đấu thầu rộng rãi là hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong đó không hạn chế số lượng nhà đầu tư tham dự và đấu thầu rộng rãi phải được áp dụng cho tất cả dự án PPP, trừ trường hợp thuộc hình thức đàm phán cạnh tranh; chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.

Tại khoản 2 Điều 34 Nghị định 35/2021/NĐ-CP quy định hình thức đấu thầu rộng rãi được áp dụng theo một trong các trường hợp sau đây:

  • Đấu thầu rộng rãi quốc tế có sơ tuyển trong trường hợp có từ 06 nhà đầu tư trở lên quan tâm trong đó có ít nhất 01 nhà đầu tư được thành lập theo pháp luật nước ngoài đăng ký quan tâm;

  • Đấu thầu rộng rãi trong nước có sơ tuyển trong trường hợp có từ 06 nhà đầu tư được thành lập theo pháp luật Việt Nam trở lên đăng ký quan tâm;

  • Đấu thầu rộng rãi quốc tế trong trường hợp có dưới 06 nhà đầu tư quan tâm; trong đó có ít nhất 01 nhà đầu tư được thành lập theo pháp luật nước ngoài đăng ký quan tâm;

  • Đấu thầu rộng rãi trong nước trong trường hợp có dưới 06 nhà đầu tư được thành lập theo pháp luật Việt Nam đăng ký quan tâm.

Về quy trình chi tiết lựa chọn nhà đầu tư đối với đấu thầu rộng rãi thực hiện theo sơ đồ quy định tại Mục I của Phụ lục V kèm theo Nghị định 35/2021/NĐ-CP.

2. Hình thức đàm phán cạnh tranh

Tại Điều 38 Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) và khoản 3 Điều 34 Nghị định 35/2021/NĐ-CP quy định 03 trường hợp áp dụng hình thức đàm phán cạnh tranh như sau:

  • Dự án khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án xuất hiện yếu tố đặc biệt cần áp dụng giải pháp đổi mới sáng tạo nhằm rút ngắn tiến độ và hoàn thành xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong một khoảng thời gian nhất định, đạt mức tiết kiệm năng lượng cao, bảo vệ môi trường đối với dự án thuộc nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao theo pháp luật về bảo vệ môi trường có không quá 03 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án; (Lưu ý: Trường hợp sau khi khảo sát có nhiều hơn 03 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án, việc xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi)

  • Dự án ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao;

  • Dự án ứng dụng công nghệ mới theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

Về quy trình chi tiết lựa chọn nhà đầu tư đối với hình thức đàm phán cạnh tranh thực hiện theo sơ đồ quy định tại Mục II của Phụ lục V kèm theo Nghị định 35/2021/NĐ-CP.

3. Hình thức chỉ định nhà đầu tư

Tại Điều 39 Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 quy định chỉ định nhà đầu tư được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

  • Dự án cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước;

  • Dự án cần phải lựa chọn ngay nhà đầu tư thay thế theo quy định để bảo đảm tính liên tục trong quá trình thực hiện dự án.

Theo đó, cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định việc chỉ định nhà đầu tư. Trường hợp chỉ định nhà đầu tư đối với dự án cần bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước thì trước khi chỉ định nhà đầu tư phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trên cơ sở có ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Về quy trình chi tiết lựa chọn nhà đầu tư đối với hình thức đàm phán cạnh tranh thực hiện theo sơ đồ quy định tại Mục IV và Mục V của Phụ lục V kèm theo Nghị định 35/2021/NĐ-CP.

4. Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt

Trường hợp dự án PPP xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư: đấu thầu rộng rãi; đàm phán cạnh tranh và chỉ định nhà đầu tư thì cơ quan có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư.

Tại khoản 2 Điều 40 Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 quy định hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ bao gồm các nội dung sau đây:

  • Thông tin cơ bản của dự án;

  • Thuyết minh về điều kiện đặc thù, riêng biệt của dự án;

  • Phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, bao gồm: các bước thực hiện lựa chọn nhà đầu tư; giải pháp cụ thể để giải quyết được tính đặc thù, riêng biệt của dự án được đề xuất để bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án.

Lưu ý: Đối với dự án áp dụng lựa chọn nhà đầu tư trong nước nhưng cần thúc đẩy sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm quản lý quốc tế tốt, hồ sơ mời đàm phán, hồ sơ mời thầu được quy định nhà đầu tư trong nước liên danh với nhà đầu tư được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoặc sử dụng đối tác là nhà thầu nước ngoài để tham dự thầu thì nhà đầu tư trong nước phải là thành viên đứng đầu liên danh; ngôn ngữ sử dụng trong lựa chọn nhà đầu tư là tiếng Việt.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
880 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;