Những lưu ý quan trọng khi giao kết HĐ mua bán hàng hóa trong nước

Trong quá trình giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa có một số trường hợp mắc phải sai sót dẫn đến hợp đồng không thể thực hiện được hoặc quá trình thực hiện xảy ra tranh chấp. Vì vậy, khi giao kết HĐ mua bán hàng hóa trong nước cần lưu ý một số vấn đề dưới đây.

giao kết HĐ mua bán hàng hóa trong nước

Những lưu ý quan trọng khi giao kết HĐ mua bán hàng hóa trong nước (Ảnh minh họa)

Về chủ thể ký kết hợp đồng:

Theo quy định của pháp luật nếu chủ thể là pháp nhân thì phải do người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó ký hợp đồng hoặc người được uỷ quyền ký. Tuy nhiên, trong thực tế đã xảy ra trường hợp có nhiều hợp đồng được ký bởi người không có thẩm quyền và khi xảy ra xung đột, công ty không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng đã lấy lý do người ký không đúng thẩm quyền để thoái thác trách nhiệm. Điều này gây nhiều thiệt hại cho đối tác, đặc biệt với những hợp đồng có giá trị lớn thì thiệt hại là không hề nhỏ. Hậu quả là công ty không chịu bồi thường thiệt hại cho đối tác vì cho rằng người ký hợp đồng không nhân danh công ty, còn cá nhân ký kết hợp đồng hoặc thoái thác trách nhiệm hoặc không có khả năng tự chịu trách nhiệm đối với thiệt hại quá lớn của đối tác. Bên cạnh đó, tồn tại trường hợp người kí có uỷ quyền nhưng lại ký vượt quá phạm vi uỷ quyền.

Do đó, cần tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác của mình để tránh hợp đồng được ký bởi người không có thẩm quyền của doanh nghiệp về nguyên tắc sẽ vô hiệu. Tùy từng trường hợp cụ thể mà hợp đồng có thể vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần.

Về đối tượng của hợp đồng:

Đối tượng của hợp đồng mua bán hàng hóa là hàng hóa. Các bên tham gia thường tranh chấp về hàng hóa không đúng đối tượng đã thỏa thuận, về chất lượng hàng hóa không đúng, không đáp ứng được theo tiêu chuẩn,… Bởi, quy định trong hợp đồng không cụ thể và chi tiết dẫn đến hiểu lầm hoặc do một bên lợi dụng sơ hở để không thực hiện nghĩa vụ.

Do vậy, khi tham gia ký kết hợp đồng, Doanh nghiệp cần phải đọc kỹ từng điều khoản của hợp đồng quy định một cách cụ thể, chi tiết về đối tượng của hợp đồng, chất lượng hàng hóa, số lượng. Quy định rõ chỉ tiêu kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và thống nhất về cách hiểu các điều khoản của hợp đồng để tránh trường hợp mỗi bên hiểu một ý khác nhau. Ngoài ra tiêu chuẩn chất lượng nên lập thành phụ lục riêng, nêu rõ đặc điểm hàng hóa về tên, số lượng, chất lượng, thành tiền, số hiệu, cấu tạo, thành phần, định lượng, ngày sản xuất, nơi sản xuất,….

Về giá và phương thức thanh toán:

Đa phần trong hợp đồng các bên chỉ đưa ra giá thoả thuận và giai đoạn thanh toán, hình thức thanh toán. Tuy nhiên, trong thực tế với biến động thị trường và một số điều kiện khách quan khác bên mua thường mắc lỗi chậm thanh toán, thì cần quy định thêm lãi chậm trả,…Cần quy định rõ ràng điều kiện thanh toán, mức lãi khi chậm thanh toán,…

Về phạt vi phạm:

Phạt vi phạm chỉ có thể xảy ra trong trường hợp các bên đã có thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng, nếu các bên không có thỏa thuận trong hợp đồng thì không được áp dụng chế tài này.

Theo quy định tại Điều 301 Luật Thương mại 2005, mức phạt vi phạm của các bên bị hạn chế như sau:

Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm

Do vậy, các bên khi thoả thuận về mức phạt phải căn cứ vào quy định của Luật thương mại để lựa chọn mức phạt trong phạm vi từ 8% trở xuống, nếu các bên thoả thuận mức phạt lớn hơn thì phần vượt quá được coi là vi phạm pháp luật và bị vô hiệu. Do vậy, cần phải tính toán kỹ trước khi thoả thuận chế tài này.

Về trường hợp bất khả kháng:

Điều khoản về bất khả kháng chính là giúp cho các bên lường trước được các trường hợp miễn trách nhiệm nếu vi phạm nghĩa vụ hợp đồng khi điều kiện bất khả kháng xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng. Trong thực tế các bên thường mâu thẫu khi xác định một hoàn cảnh xảy ra có phải sự kiện bất khả kháng hay không. Do đó, cần có thỏa thuận rõ ràng về các trường hợp bất khả kháng (hiện tượng thiên nhiên hay hiện tượng xã hội). Đồng thời khi soạn thảo hợp đồng các bên có thể đưa ra các sự kiện cụ thể là sự kiện bất khả kháng để miễn trách nhiệm. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 phức tạp thì cần quy định rõ vấn đề này để tránh xảy ra tranh chấp sau này.

Trên đây là một số điểm cần chú ý trong khi xây dựng một hợp đồng mua bán hàng hóa cơ bản. Các chủ thể khi tiến hành giao kết hợp đồng cần cân nhắc kĩ lưỡng để có thể giao kết và thực hiện hợp đồng một cách thuận lợi.

Cơ sở pháp lý:

Luật Thương mại 2005

Bộ luật Dân sự 2015

Long Bình

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1807 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;