Phân biệt Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2

Theo quy định pháp luật hiện hành, hiện tại có hai loại Phiếu lý lịch tư pháp là Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2. Vậy hai loại Phiếu lý lịch tư pháp này được phân biệt như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ điều này.

phiếu lý lịch tư pháp

Phân biệt Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2 (Ảnh minh họa)

Theo khoản 4 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp quy định phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Theo đó, Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2 được phân biệt dựa vào các tiêu chí sau:

1. Về đối tượng được cấp

Theo Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp quy định đối tượng được cấp Phiếu lý lịch tư pháp cụ thể như sau:

- Phiếu lý lịch tư pháp số 1: Cấp cho cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây:

  • Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.

  • Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Phiếu lý lịch tư pháp số 2: Cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

2. Về mục đích cấp Phiếu lý lịch tư pháp

- Phiếu lý lịch tư pháp số 1 được cấp nhằm phục vụ công tác quản lý nhân sự, làm hồ sơ xin việc, giấy phép lao động, hoạt động đăng ký kinh doanh, quản lý doanh nghiệp,...

- Phiếu lý lịch tư pháp số 2 được cấp để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình, phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử,…

3. Về nội dung trên mỗi Phiếu lý lịch tư pháp

Theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 Luật Lý lịch tư pháp quy định nội dung trên mỗi Phiếu lý lịch tư pháp cụ thể như sau:

 

Phiếu lý lịch tư pháp số 1

Phiếu lý lịch tư pháp số 2

Thông tin chung

Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, họ, tên cha, mẹ, vợ, chồng của người được cấp

Tình trạng án tích

- Đối với người không bị kết án: Ghi là “không có án tích”.

Lưu ý: Trường hợp người bị kết án chưa đủ điều kiện được xóa án tích thì ghi “có án tích”, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung.

- Đối với người được xoá án tích và thông tin về việc xoá án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp: Ghi “không có án tích”.

- Đối với người được đại xá và thông tin về việc đại xá đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”

- Đối với người không bị kết án: Ghi là “không có án tích”.

- Đối với người đã bị kết án: Ghi đầy đủ án tích đã được xoá, thời điểm được xoá án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Toà án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án.

Lưu ý: Trường hợp người bị kết án bằng các bản án khác nhau thì thông tin về án tích của người đó được ghi theo thứ tự thời gian.

Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã

Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản: Ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”.

Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản: Ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Lưu ý: Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không có yêu cầu thì nội dung quy định tại khoản này không ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp.

 

4. Quyền ủy quyền cho cá nhân khác thực hiện thủ tục

- Phiếu lý lịch tư pháp số 1: Được phép ủy quyền.

Theo khoản 3 Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp quy định cá nhân có thể uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1. Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật; trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.

- Phiếu lý lịch tư pháp số 2: Không được phép ủy quyền.

Tại khoản 2 Điều 46 Luật Lý lịch tư pháp quy định trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Theo đó, người có yêu cầu phải trực tiếp thực hiện thủ tục này.

Có thể thấy, Phiếu lý lịch tư pháp là thành phần quan trọng cho các đối tượng khi làm việc liên quan đến yếu tố nước ngoài như xuất khẩu lao động, định cư nước ngoài, du học,… Do đó, mọi người cần phân biệt cụ thể 02 loại Phiếu lý lịch tư pháp này để hoàn thành hồ sơ, phục vụ cho công việc của mình theo đúng quy định của pháp luật.

Lê Vy

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
35177 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;