Tổ chức lại hoạt động, thành lập Ban QLDA theo Nghị định 59

Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 16/2016/TT-BXD (có hiệu lực từ ngày 15/8/2016) hướng dẫn tổ chức lại hoạt động, thành lập Ban quản lý dự án (BQLDA) chuyên ngành, khu vực theo Nghị định 59/2015/NĐ-CP.

 

BQLDA đầu tư xây dựng chuyên ngành, khu vực là tổ chức do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, người đại diện có thẩm quyền của Doanh nghiệp Nhà nước thành lập để thực hiện công tác quản lý một số dự án thuộc cùng một chuyên ngành, tuyến công trình hoặc trên cùng một địa bàn.

BQLDA chuyên ngành, khu vực được tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, số lượng, quy mô các dự án cần phải quản lý. Một ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực cơ bản gồm:

  • Ban giám đốc;
  • Các giám đốc quản lý dự án;
  • Các bộ phận trực thuộc khác.

Hình ảnh minh họa

 

Mô hình tổ chức hoạt động của Ban QLDA đầu tư xây dựng khá đa dạng, phong phú, phụ thuộc vào cá nhân hay tổ chức đứng ra thành lập, từ đó quyết định tư cách pháp nhân, nguồn tài chính. Cho dù được thành lập dưới hình thức hay mô hình nào thì việc tổ chức lại hoạt động, thành lập Ban QLDA chuyên ngành, khu vực theo quy định của Luật Xây dựng vẫn phải bảo đảm một số nguyên tắc dưới đây:

  • Phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển của Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, kế hoạch đầu tư công trung hạn, chủ trương đầu tư và yêu cầu về tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
  • Đáp ứng các Điều kiện thành lập Ban QLDA chuyên ngành, khu vực quy định tại Luật Xây dựng.
  • Không làm gián đoạn tiến độ thực hiện dự án, không làm tăng thêm biên chế BQLDA khi được sắp xếp, tổ chức lại hoạt động để thành lập Ban QLDA chuyên ngành, khu vực. Cán bộ, viên chức trong biên chế Ban QLDA chuyên ngành, khu vực không kiêm nhiệm các chức danh, nhiệm vụ công tác khác ngoài nhiệm vụ quản lý dự án được giao.
  • Tự bảo đảm kinh phí hoạt động trên cơ sở sử dụng kinh phí quản lý dự án trong tổng mức đầu tư dự án được duyệt và các nguồn thu hợp pháp khác (nếu có).
  • Vẫn bảo đảm điều kiện năng lực hoạt động của Ban QLDA chuyên ngành, khu vực khi tổ chức lại, thành lập theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Thông tư 16 quy định việc sắp xếp, tổ chức lại hoạt động của các BQLDA đầu tư xây dựng do người quyết định đầu tư, chủ đầu tư thành lập đối với một dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách được hướng dẫn cụ thể như sau:

  • BQLDA do chủ đầu tư thành lập trước ngày Luật Xây dựng có hiệu lực được phép tiếp tục hoạt động cho đến khi hoàn thành dự án, đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Trường hợp cần thiết có thể sắp xếp, tổ chức lại hoạt động của các QLDA này để hình thành Ban QLDA chuyên ngành, khu vực.
  • Các BQLDA do chủ đầu tư thành lập sau ngày Luật Xây dựng có hiệu lực thi hành (trừ các BQLDA được thành lập theo Khoản 2 Điều 62 Luật Xây dựng) phải được tổ chức lại hoạt động trên cơ sở thực hiện sáp nhập vào Ban QLDA chuyên ngành, khu vực do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện, người có thẩm quyền của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thành lập;
  • Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước do đơn vị thành viên của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư nhưng không đủ điều kiện để thành lập BQLDA đầu tư xây dựng một dự án thì người quyết định đầu tư đề xuất với Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước để giao cho Ban QLDA chuyên ngành, khu vực của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quản lý dự án hoặc thuê tư vấn quản lý dự án theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định 59/2015/NĐ-CP;
  • Đối với các dự án thuộc các chương trình mục tiêu khác nhau được đầu tư xây dựng trên cùng địa bàn hành chính của tỉnh, huyện chủ chương trình Mục tiêu cần thống nhất với UBND cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện việc lồng ghép các dự án để giao cho Ban QLDA chuyên ngành, khu vực của cấp tỉnh, cấp huyện quản lý;
  • Riêng đối với dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài đã có cam kết, thỏa thuận về hình thức quản lý dự án thì việc quản lý dự án được thực hiện theo cam kết, thỏa thuận với nhà tài trợ;
  • Và dự án thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC, chủ đầu tư có thể thỏa thuận giao cho tổng thầu EPC quản lý thực hiện dự án. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức bộ phận chức năng để theo dõi, kiểm tra công tác quản lý dự án của tổng thầu EPC.

Các BQLDA đầu tư xây dựng nhiều dự án do người quyết định đầu tư thành lập đang hoạt động tại một số Bộ ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần được sắp xếp, tổ chức lại hoạt động để đáp ứng các yêu cầu, điều kiện đối với Ban QLDA chuyên ngành, khu vực theo quy định của Luật Xây dựng.

Tùy thuộc điều kiện cụ thể của Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, người có thẩm quyền có thể lựa chọn một hoặc một số BQLDA đầu tư xây dựng đang hoạt động làm nòng cốt để tổ chức lại hoạt động, thành lập Ban QLDA chuyên ngành, khu vực phù hợp.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
6262 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;