Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT cho cá nhân: Tiêu chuẩn xét tặng mới

Thông tư 21/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành có hiệu lực từ ngày 01/10/2020, trong đó thay thế một số tiêu chuẩn xét tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho cá nhân.

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT cho cá nhân: Tiêu chuẩn xét tặng mới

Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT cho cá nhân: Tiêu chuẩn xét tặng mới (Ảnh minh họa)

Cụ thể, tại Điều 5 Thông tư 21/2020/TT-BGDĐT quy định Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cho cá nhân có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

  • Có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, được bình xét trong thực hiện phong trào thi đua do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động;

  • Đối với cá nhân công tác trong các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ, Đại học quốc gia: Có 02 năm liên tục được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến cấp cơ sở được công nhận hoặc trong 05 năm trước khi nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chưa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen;

  • Lập được nhiều thành tích có phạm vi ảnh hưởng ở một trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc có nghĩa cử cao đẹp, hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhân dân, của Nhà nước, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, địch họa, dịch bệnh, đấu tranh với những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, có tác dụng nêu gương và được đơn vị, địa phương ghi nhận, tôn vinh;

  • Có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, khởi nghiệp; có sáng kiến, giải pháp trong nghiên cứu khoa học; vượt khó, vươn lên học giỏi; tham gia có hiệu quả các hoạt động tình nguyện, thiện nguyện vì cộng đồng được cơ quan quản lý trực tiếp xác nhận;

  • Có nhiều đóng góp, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho ngành Giáo dục, được cơ quan quản lý trực tiếp và đơn vị thụ hưởng xác nhận;

  • Có thời gian công tác từ 05 năm trở lên; có thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của đơn vị được ghi nhận nhân dịp kỷ niệm thành lập vào năm tròn.

Từ các tiêu chuẩn trên, có thể thấy một vài sự thay đổi so với các tiêu chuẩn quy định tại Thông tư 22/2018/TT-BGDĐT (hết hiệu lực từ đầu tháng 10/2020), cụ thể như sau:

- Bãi bỏ điểm g: “Các trường hợp khen thưởng khác do Bộ trưởng quyết định”

Quy định trên có nghĩa là ngoài 6 tiêu chuẩn ở Thông tư cũ thì nếu cá nhân có những thành tích xuất xắc khác thì Bộ trưởng vẫn có quyền quyết định trao bằng khen, hay nói cách khác là số tiêu chuẩn không bị giới hạn.

Việc bãi bỏ điểm này cho thấy Bộ Giáo dục Đào tạo đã giới hạn phạm vi các tiêu chuẩn lại, tóm gọn trong 6 tiêu chí ở Thông tư mới, giảm thiểu tối đa rủi ro trao tặng Bằng khen không đúng đối tượng, không tương xứng với mức độ cống hiến của người đó.

-  Thay thế quy định tại điểm a khoản 1 Thông tư cũ:

Điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư 22/2018/TT-BGDĐT quy định một trong các tiêu chuẩn xét tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo là: "Có ít nhất 02 giải pháp đổi mới, sáng tạo trong giáo dục, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý, quản trị đơn vị mang lại lợi ích thiết thực được tập thể ghi nhận hoặc chủ trì 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, Bộ trở lên đã được nghiệm thu, ứng dụng mang lại hiệu quả cao, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về ngành, lĩnh vực thẩm định, xác nhận".

Điểm này được thay thể bằng "Có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, được bình xét trong thực hiện phong trào thi đua do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động". Có thể thấy rằng Thông tư 21/2020/TT-BGDĐT đã đơn giản hóa phần nào tiêu chuẩn cũ, cho thấy sự công nhận của Bộ đối với sự cống hiến của giáo viên. Không phải ai cũng đủ khả năng để có thể chủ trì 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh bởi tính hàn lâm và phức tạp của nó. Bộ Giáo dục và đào tạo chú trọng vào khả năng giảng dạy, truyền tải kiến thức của giáo viên hơn việc nghiên cứu ra các giải pháp mới. Chính vì thế, việc thay thế quy định ở điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư 22/2018/TT-BGDĐT là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.

 Căn cứ pháp lý:

Thông tư 21/2020/TT-BGDĐT

Thông tư 22/2018/TT-BGDĐT.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
12681 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;