Giáo viên đánh học sinh bầm tím người có bị xử lý hình sự?

Trường tôi là trường tiểu học, thời gian vừa qua, trường tôi có giáo viên đã đánh vào mông học sinh vì em học sinh này gây mất trật tự trong lớp và không tôn trọng giáo viên. Phụ huynh phát hiện có vết bầm trên người học sinh nên đã làm đơn tố cáo lên Hiệu trưởng và Công an xã. Vậy cho tôi hỏi, hành vi đánh học sinh bầm tím người của giáo viên này có bị xử lý hình sự hay không?

Giáo viên đánh học sinh bầm tím người có bị xử lý hình sự?

Giáo viên đánh học sinh bầm tím người có bị xử lý hình sự? - Ảnh minh họa

Đối với vấn đề này, Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT có giải đáp như sau:

Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017):

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
...
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ
.

Trường hợp giáo viên đánh học sinh bầm tím cần phải thực hiện giám định pháp y và giám định pháp y tâm thần của học sinh đó thì mới xác định được mức độ gây hậu quả từ hành vi này của giáo viên.

Theo Thông tư 22/2019/TT-BYT tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y thì vết bầm tím không được tính tỷ lệ phần trăm tổn thương có thể (Bảng 1 Thông tư này).

Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể còn bao gồm di chứng rối loạn tâm thần và hành vi. Ví dụ, trường hợp giáo viên đánh học sinh khiến học sinh này phản ứng với stress (căng thẳng) trầm trọng và rối loạn sự thích ứng mà điều trị không ổn định thì được xác định tỷ lệ tổn thương từ 21% – 25% (Bảng 4 Thông tư 22/2019/TT-BYT). Ngoài ra còn có các hậu quả khác về tinh thần phát sinh từ việc giáo dục bằng bạo lực như: rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh, các rối loạn thói quen, tác phong và xung động, rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ, rối loạn tăng động và hành vi ở thanh thiếu niên, …

Vì vậy, nếu học sinh đó chỉ có vết bầm tím và không bị ảnh hưởng đến tinh thần thì hành vi của giáo viên sẽ không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Còn nếu ngoài vết bầm tím ra, học sinh đó có phát sinh các chứng rối loạn về tâm thần như trên thì giáo viên đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình. Theo đó, giáo viên này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc phạt tù tối đa 03 năm.

Ngoài ra, giáo viên còn có thể bị xử lý kỷ luật theo những quy định sau:

Căn cứ Nghị định 27/2012/NĐ-CP về xử lý kỷ luật viên chức:

Điều 11. Cảnh cáo

...

10. Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này;

Điều 12. Cách chức

Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với viên chức quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

...

3. Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ.

Điều 13. Buộc thôi việc
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo..
.

Trường hợp này cần căn cứ vào bản án của Tòa án thì mới xác định được hình thức kỷ luật tương ứng đối với giáo viên.

Bên cạnh đó, nếu giáo viên này đồng thời là Đảng viên thì theo khoản 5 Điều 2 Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ"; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp.

Hải Thanh

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1869 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;