Giáo viên được nhận lương mới từ năm 2020: Toàn bộ giải đáp liên quan

Trong thời gian gần đây, chắc hẳn khá nhiều Quý Khách hàng và Thành viên đang hoang mang và thắc mắc về những chính sách tiền lương mới áp dụng đối với giáo viên từ năm 2020. Liệu những thông tin đó có chính xác hay không? Từ năm 2020, lương giáo viên sẽ được tính như thế nào? Thư Ký Luật xin giải đáp toàn bộ thắc mắc của Quý Khách hàng tại bài viết dưới đây.

Xem thêm: Sẽ có quỹ tiền thưởng riêng đối với giáo viên các cấp từ năm 2021

Giáo viên được nhận lương mới từ năm 2020: Toàn bộ giải đáp liên quan (Ảnh minh họa)

 BẢNG LƯƠNG CỦA GIÁO VIÊN CÁC CẤP TỪ 01/7/2020

Tại bài viết này, Thư Ký Luật xin giải đáp 5 vấn đề mà gần đây Thư Ký Luật nhận được nhiều nhất câu hỏi thắc mắc của Quý Khách hàng và Thành viên, cụ thể:

  1. Từ năm 2020, trình độ chuẩn đào tạo đối với giáo viên các cấp được nâng lên theo chuẩn mới thì lương của giáo viên được tính như thế nào? Có thay đổi hay không?

  2. Có phải từ năm 2021 sẽ không còn áp dụng lương cơ sở đối với giáo viên nói riêng và cán bộ, công chức, viên chức nói chung?

  3. Có đúng lương giáo viên từ năm 2020 sẽ được trả theo vị trí việc làm và tính chất phức tạp của công việc? Và trả lương theo hình thức này là như thế nào?

  4. Có đúng từ năm 2020 sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên và một số loại phụ cấp khác đối với giáo viên hay không?

  5. Nếu bỏ phụ cấp thâm niên của giáo viên thì giáo viên có được hưởng thêm khoản phụ cấp thay thế nào không?

THƯ KÝ LUẬT xin giải đáp từng vấn đề như sau:

1. Từ năm 2020, trình độ chuẩn đào tạo đối với giáo viên các cấp được nâng lên theo chuẩn mới thì lương của giáo viên được tính như thế nào? Có thay đổi hay không?

Theo như Thư Ký Luật đã thông tin đến Quý Khách hàng và Thành viên thì từ ngày 01/7/2020, trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên các cấp được nâng lên so với quy định tại Luật Giáo dục 2005, cụ thể:

- Đối với giáo viên mầm non: Phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên. (Quy định hiện hành chỉ yêu cầu có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm).

- Đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông: Phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. (Quy định hiện hành yêu cầu bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên tiểu học; bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở).

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cứ nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Có thể thấy, việc nâng chuẩn trình độ đào tạo lên đại học này là theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW đã nêu “Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm" .

Vậy việc nâng trình độ chuẩn đào tạo này có ảnh hưởng tới lương của giáo viên hay không? Thư Ký Luật xin trả lời là có. Có thể thấy, theo quy định hiện nay, lương của giáo viên là viên chức sẽ được trả theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng. Các giáo viên mới vào ngành sẽ có chức danh thấp nhất nên mức lương nhận được cũng là mức thấp nhất. Hiện nay, ngành Giáo dục không có thang bảng lương riêng, nhưng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nâng lên cũng là căn cứ để khởi đầu cho bậc lương của giáo viên ở các bậc học này, về logic cũng đã được nâng lên - Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho hay.

Ông cũng cho biết thêm, dự kiến cách tính lương mới sẽ không còn khái niệm lương cơ bản mà sẽ là lượng tiền khởi động ban đầu có một mức, sau đó quy ra các mức cao hơn. Cách đưa ra bậc lương ban đầu bằng lượng tiền cùng các hệ số và được nâng lên bởi trình độ đào tạo, sẽ thấy lương giáo viên, đặc biệt bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được nâng lên so với hệ thống hiện nay, nhất là với đội ngũ giáo viên mới vào nghề.

Đối với bậc tiểu học, trình độ đào tạo của giáo viên sẽ được nâng lên từ trung cấp lên đại học, nên đây cũng là bậc học mà lương có thay đổi mạnh nhất. Hiện nay, mức lương ban đầu với hệ trung cấp là hệ số 1,86; hệ đại học là 2,34 - riêng điều này cũng cho thấy mức tăng của lương giáo viên tiểu học là rất lớn.

2. Có phải từ năm 2021 sẽ không còn áp dụng lương cơ sở đối với giáo viên là viên chức nói riêng và cán bộ, công chức, viên chức nói chung?

Thư Ký Luật xin khẳng định đúng là từ năm 2021, đối với bộ phận giáo viên là viên chức sẽ không còn được trả lương theo hệ số và lương cơ sở như hiện nay nữa mà sẽ được tính bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Cụ thể, theo Mục 3.1.c Phần II Nghị quyết 27-NQ/TW, sắp tới sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và áp dụng mức lương cụ thể đối với cán bộ, công chức, viên chức; mức lương cụ thể này sẽ được tính căn cứ theo vị trí việc làm của từng đối tượng.

Đồng thời, Nghị quyết 27-NQ/TW còn đưa ra lộ trình tăng lương đối với cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2021 đến năm 2030, trong thời gian này có những thay đổi về tiền lương như sau:

- Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

- Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.

- Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

- Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

3. Có đúng lương giáo viên từ năm 2020 sẽ được trả theo vị trí việc làm và tính chất phức tạp của công việc? Và trả lương theo hình thức này là như thế nào?

Thư Ký Luật xin trả lời là đúng. Cụ thể, theo Điều 76 Luật Giáo dục 2019, nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, giáo viên sẽ được trả lương theo vị trí việc làm, theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp bắt đầu vào năm 2020, chính sách trả lương mới này đã thể hiện được tinh thần về cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương.

Theo đó, trong thời gian tới, sẽ có một bảng lương chuyên môn nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc:

- Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau;

- Điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề.

4. Có đúng từ năm 2020 sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên và một số loại phụ cấp khác đối với giáo viên hay không?

Theo quy định tại Nghị quyết 27/NQ-TW, sắp tới sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức). Như vậy, tới đây sẽ không còn phụ cấp thâm niên nhà giáo nữa. Theo ông Hoàng Minh Đức, phụ cấp thâm niên hiện thể hiện sự khác biệt giữa người mới vào ngành và người công tác trong ngành lâu năm. Mà theo tinh thần mới, phụ cấp sẽ không theo hướng càng lâu năm càng cao. Thu nhập giáo viên được hưởng sẽ đúng theo tính chất phức tạp và đặc thù nghề nghiệp.

Cũng theo Nghị quyết 27, ngoài bãi bỏ phụ cấp thâm niên thì một số loại phụ cấp sau đây cũng bị bãi bỏ:

- Phụ cấp ưu đãi theo nghề (vì sẽ được gộp với phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm, gọi chung là phụ cấp theo nghề);

- Phụ cấp thu hút (vì sẽ được gộp với phụ cấp đặc biệt và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, gọi chung là phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn).

5. Nếu bỏ phụ cấp thâm niên của giáo viên thì giáo viên có được hưởng thêm khoản phụ cấp thay thế nào không?

Theo quy định tại Nghị quyết 27/NQ-TWLuật Giáo dục 2019 thì từ 01/7/2020, giáo viên sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Nhà nước cũng quy định áp dụng một số chính sách mới về tiền lương, trợ cấp khác cho đối tượng là giáo viên, cụ thể:

- Thực hiện xây dựng thang bảng lương mới bằng số tiền cụ thể, bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương hiện nay.

- Được ưu tiên hưởng tiền đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.

- Được xếp lương theo vị trí việc làm phù hợp và lao động nghề nghiệp.

Đồng thời, đối với các giáo viên công tác tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, công tác tại các trường chuyên biệt, trường năng khiếu, trường dành cho người khuyết tật,…cũng sẽ được áp dụng các chính sách ưu đãi và chế độ phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.

Nguyễn Trinh 

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
83044 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;