Khai báo giả để được xét nghiệm Covid-19 có bị xử phạt hay không?

Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, Nhà nước đưa ra khuyến cáo mọi người phải khai báo khi đi từ vùng dịch về. Tuy nhiên, nhiều người có hành vi khai báo giả đã đi từ vùng dịch về để được xét nghiệm Covid-19. Vậy hành vi khai báo giả có vi phạm pháp luật không? Trong trường hợp vi phạm thì bị xử phạt như thế nào?

Khai báo giả để được xét nghiệm Covid-19 có bị xử phạt

Khai báo giả để được xét nghiệm Covid-19 có bị xử phạt hay không? (Ảnh minh hoạ)

Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin giải đáp thắc mắc như sau:

1. Khai báo giả để được xét nghiệm Covid-19 có bị xử phạt hay không?

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì:

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi khai báo thông tin giả đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, người có hành vi khai báo giả đi từ vùng dịch về để được xét ngiệm Covid-19 là hành vi vi phạm pháp luật và bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.

2. Xử phạt như thế nào đối với các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19?

Bên cạnh viêc xử phạt hành vi khai báo giả để xét nghiệm Covid-19, thì căn cứ theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP và Công văn 45/TANDTC, việc xử phạt các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19 được quy định như sau:

- Phạt tiền tối đa đến 300.000 đồng đối với người không đeo khẩu trang nơi công cộng.

- Phạt tiền tối đa đến 5 triệu đồng  đối với người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng (nếu vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tiền tối đa đến 7 triệu đồng).

- Phạt tiền tối đa đến 2 triệu đồng đối với người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh Covid-19.

- Phạt tiền tối đa đến 10 triệu đồng đối với cá nhân, 20 triệu đồng đối với tổ chức khi :

- Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh tại vùng có dịch;

- Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch COVID-19.

- Phạt tiền tối đa đến 20 triệu đồng đối với người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch.

- Xử phạt 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly để phòng; Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác.

- Xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 đối với:

- Hành vi trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà làm gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

- Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán ba, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19 của cơ quan, người có thẩm quyền, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh.

- Phạt tiền tối đa đến 15 triệu đồng hoặc xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 BLHS đối với người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19.

- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối với người có hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19.

- Xử lý về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 330 BLHS đối với người có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

- Xử lý về tội đầu cơ theo quy định tại Điều 196 đối với người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính.

Ty Na

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
716 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;