Những nội dung cơ bản của Luật quốc tịch Việt Nam 2008

Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 gồm 6 chương, 44 điều. Phân tích toàn bộ các chương và điều của Luật quốc tịch năm 2008, chúng ta thấy luật này có những nội dung cơ bản sau đây:

1. Nguyên tắc một quốc tịch

Cùng với việc khẳng định mọi cá nhân ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều có quyền có quốc tịch (Điều 2), Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 tiếp tục khẳng định nguyên tắc một quốc tịch đã được ghi nhận trong Luật quốc tịch Việt Nam năm 1988 và tại điều 3 Luật quốc tịch Việt Nam năm 1998.Việc làm này nhằm để đảm bảo tính xuyên suốt, truyền thống của nguyên tắc một quốc tịch, đồng thời khắc phục những mâu thuẫn trong Luật hiện hành, giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn. Chính vì vậy, so với 2 bộ luật trước, Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 có sự khác biệt cơ bản là : Nếu như luật quốc tịch năm 1988 và 1998 được xây dựng trên nguyên tăc một quốc tịch triệt để thì Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 được xây dựng trên nguyên tắc một quốc tịch mềm dẻo.

Điều 4. Nguyên tắc quốc tịch

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp luật này có quy định khác.

So sánh với nguyên tắc “Công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch Việt Nam” của Luật quốc tịch Việt Nam năm 1988: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.”(Điều 3) và “ Nguyên tắc một quốc tịch” của Luật quốc tịch Việt Nam năm 1998: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” (Điều 3), có thể thấy nguyên tắc quốc tịch năm 2008 có sự mềm dẻo hơn rất nhiều.

Về mặt hình thức, nếu như ở Luật năm 1988 có ghi rõ ràng là “Công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch Việt Nam” thì đến Luật năm 1998 có sửa đổi thành “Nguyên tắc một quốc tịch” và đến năm 2008 thì đã bỏ từ “một” chỉ còn “Nguyên tắc quốc tịch”.

Về mặt nội dung, ngoài nội dung cơ bản đã quy định trong Luật quốc tịch 1998 : “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”, Luật năm 2008 còn bổ sung thêm “trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Như vậy, Luật năm 1998 không quy định về các trường hợp ngoại lệ có thể có hai quốc tịch (mặc dù trên thực tế vẫn có nhiều trường hợp được mang hai quốc tịch) thì đến Luật năm 2008 đã quy định rõ những trường hợp này. Những trường hợp ngoại lệ có thể có hai quốc tịch là những trường hợp được Chủ tịch nước cho phép giữ quốc tịch nước ngoài khi được nhập quốc tịch Việt Nam (khoản 3 Điều 19), được trở lại quốc tịch Việt Nam (khoản 5 Điều 23); trường hợp quốc tịch của trẻ em là con nuôi (Điều 37) và trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn có nguyện vọng giữ quốc tịch Việt Nam (khoản 2 Điều 13).

Việc khẳng định một số ngoại lệ có thể có hai quốc tịch không có nghĩa là từ bỏ nguyên tắc một quốc tịch mà chỉ là sửa đổi nguyên tắc này cho mềm dẻo hơn, phù hợp với chính sách của Nhà nước ta về hội nhập quốc tế, đại đoàn kết dân tộc và chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Có thể nói vậy là bởi trong Luật năm 2008 vẫn quy định những điều kiện cụ thể nhằm hạn chế tình trạng hai hay nhiều quốc tịch như sau:

- Thứ nhất, khi quy định các điều điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam, khoản 3 điều 19 nêu rõ : “ Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép”. Điều đó có nghĩa, về nguyên tắc, công dân nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam thì buộc phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài. Trừ những trường được quy định tại khoản 2 điều 19 ( a)“Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ để hoặc con đẻ của công dân Việt Nam”, b) “Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”; c) “Có lợi cho nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”) hay trường hợp đặc biệt được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho phép, người đó mới được giữ quốc tịch nước ngoài. Trong luật năm 1998 chỉ cho phép giữ quốc tịch nước ngoài với trường hợp có tính chất đặc biệt được Chủ tịch nước cho phép. Điều đó cho thấy tính chất mềm dẻo mà vẫn đảm bảo nguyên tắc một quốc tịch của Luật năm 2008.

- Thứ hai, Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 cũng quy định cụ thể những trường hợp mặc nhiên mất quốc tịch Việt Nam. Đó là: Trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em dưới 15 tuổi (được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai thì đương nhiên có quốc tịch Việt Nam) nếu tìm thấy cha mẹ mà cha mẹ chỉ có quốc tịch nước ngoài hoặc chỉ tìm thấy cha hoặc mẹ mà người đó chỉ có quốc tịch nước ngoài thì đứa trẻ đó đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam (Điều 18); Trường hợp cả cha và mẹ có sự thay đổi quốc tịch do được thôi quốc tịch Việt Nam thì con chưa thành niên sinh sống cùng cha mẹ cũng được thay đổi theo quốc tịch của họ, tức là mặc nhiên mất quốc tịch Việt Nam (Khoản 1 Điều 35).

Bên cạnh đó, do công nhận thực trạng một số công dân có hai hay nhiều quốc tịch nên Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã bổ sung thêm 1 điều quy định về việc giải quyết vấn đề phát sinh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài. Theo quy định tại Điều 12, vấn đề phát sinh từ tình trạng trên được giải quyết theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trường hợp chưa có điều ước quốc tế thì được giải quyết theo tập quán và thông lệ quốc tế. Điều 12 cũng xác định nhiệm vụ của Chính phủ là kí kết hoặc đề xuất việc kí kết, quyết định gia nhập điều ước quốc tế để giải quyết vấn đề phát sịnh từ tình trạng công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài. Một số điều ước quốc tế đa phương về vấn đề quốc tịch như Công ước La Haye năm 1930 về một số vấn đề xung đột quốc tịch, công ước năm 1963 về việc giảm các trường hợp nhiều quốc tịch và về nghĩa vụ quân sự trong trường hợp nhiều quốc tịch, Công ước châu Âu năm 1997 về quốc tịch.

2. Có quốc tịch Việt Nam

Theo khoản 1 Điều 13 Luật quốc tịch năm 2008 thì những người có quốc tịch Việt Nam là những người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 có hiệu lực và những người có quốc tịch Việt nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008.

Điều 13. Người có Quốc tịch Việt Nam

1. Người có quốc tịch Việt Nam bao gồm người đang có quốc tịch Việt Nam cho đến ngày Luật này có hiệu lực và người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này.

Trên cơ sở các quy định của Khoản 1 Điều 13 này có thể chia thành các trường hợp cụ thể sau:

Thứ nhất, là những người đang có quốc tịch Việt Nam  cho đến ngày Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 có hiệu lực.

Trường hợp này bao gồm tất cả những ai hiện đang là công dân Việt Nam, không phụ thuộc vào việc họ được xác định hoặc công nhận như thế nào. Còn từ ngày Luật quốc tịch Việt Nam 2008 có hiệu lực thì phải căn cứ theo các quy định của Luật quốc tịch Việt Nam 2008.

Thứ hai, là những người có quốc tịch Việt Nam do sinh ra.

Việc xác định quốc tịch do sinh ra là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong pháp luật về quốc tịch. Có nhiều nước xác định quốc tịch của đứa trẻ mới sinh ra theo tiêu chí huyết thống nhưng nhiều nước lại xác định theo tiêu chí nơi sinh. Điều này phụ thuộc vào lịch sử hình thành dân cư và truyền thống của từng quốc gia cụ thể. Đối với Nhà nước ta, với mục đích bảo vệ quyền lợi của trẻ em, việc xác định quốc tịch của trẻ em được sinh ra dựa trên cơ sở kết hợp hài hòa, hợp lí cả hai tiêu chí huyết thống và nơi sinh. Sự kết hợp hai tiêu chí huyết thống và nơi sinh để xác định quốc tịch của trẻ em mới sinh ra đang trở thành xu hướng phổ biến của nhiều quốc gia. Trên cơ sở kết hợp hai tiêu chí trên, Luật quốc tịch năm 2008 quy định:

Trẻ em khi sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam(Điều 15).

Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người không quốc tịch hoặc có mẹ là công dân Việt Nam còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam (Khoản 1 Điều 16).

Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam(Khoản 2 Điều 16).

Trường hợp trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh có cha mẹ đều là người không quốc tịch, hoặc mẹ là người không quốc tịch còn cha không rõ là ai nhưng có nơi thường trú ở Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam (Điều 17).

Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam( Khoản 1 Điều 18).

Bên cạnh những quy định trên, Luật quốc tịch năm 2008 đã bổ sung thêm một quy định hoàn toàn mớiso với Luật quốc tịch năm 1998. Đó là quy định về việc đăng kí giữ quốc tịch Việt Nam. Luật năm 2008 quy định rõ “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn năm năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực, phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước nơi người đó định cư để giữ quốc tịch Việt Nam” (Khoản 2 Điều13). Luật quy định trong vòng 5 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực, những người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn giữ quốc tịch Việt Nam thì phải đến đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước nơi người đó định cư. Nếu hết thời hạn 5 năm mà không làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thì người đó đương nhiên bị mất quốc tịch Việt Nam theo căn cứ mất quốc tịch Việt Nam được quy định tại khoản 3 Điều 26.

3. Nhập quốc tịch Việt Nam

Theo Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam được quyền đệ đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam. Những người đệ đơn kiện có thể được nhập quốc tịch Việt Nam nếu có đủ các điều kiện sau đây: “a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam; b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; c) tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam; d) Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam; đ) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam; e) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, Luật cũng quy định rõ, người muốn nhập quốc tịch Việt Nam chỉ cần đáp ứng một trong các trường hợp “Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam”; “Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam”; “Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Khoản 2 Điều 19) thì sẽ được miễn các điều kiện biết tiếng Việt, thường trú 5 năm tại Việt Nam và có khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam.

Theo pháp luật và thông lệ quốc tế thì một trong những điều kiện bắt buộc để có thể được nhập quốc tịch là phải biết tiếng phổ thông của quốc gia mà người đó xin nhập quốc tịch. Trong Luật Quốc tịch Việt Nam 1998 cũng quy định điều kiện để một người xin nhập quốc tịch Việt Nam là phải biết tiếng Việt. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn đối với trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam có mối quan hệ gắn bó với những người là công dân Việt Nam, như là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam. Do đó, cùng với quy định điều kiện biết tiếng Việt, tại khoản 2 Điều 19 Luật sửa đổi lần này đã quy định các trường hợp được miễn một số điều kiện, trong đó có điều kiện về biết tiếng Việt. Những trường hợp được miễn một số điều kiện nêu trên cũng đồng thời không phải thôi quốc tịch nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam. Các trường hợp còn lại khi nhập quốc tịch Việt Nam sẽ phải thôi quốc tịch nước ngoài, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép thì người đó mới được giữ quốc tịch nước ngoài (Khoản 3 Điều 19). Luật cũng quy định, người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam .Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam(Khoản 4 Điều 19).

Ngoài những quy định trên, Luật quốc tịch năm 2008 còn bổ sung thêm chính sách quốc tịch cho những người không quốc tịch đã sống ổn định trên lãnh thổ Việt Nam tại Điều 22 luật quốc tịch Việt Nam năm 2008. Nếu như Luật quốc tịch năm 1998 chưa có quy định giải quyết quốc tịch cho cư dân không quốc tịch không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân nhưng đã cư trú ổn định tại Việt Nam thì Luật quốc tịch Việt nam năm 2008 đã giải quyết vấn đề này bằng quy định : “Người không quốc tịch mà không có đầy đủ giấy tờ về nhân thân nhưng đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày Luật này có hiệu lực và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo trình tự, thủ tục và hồ sơ do Chính phủ quy định” (Điều 22). Bên cạnh đó, những người khác chỉ cần có 1 trong 4 loại giấy tờ sau là có thể chứng minh quốc tịch Việt Nam: Giấy khai sinh (trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ); Giấy chứng minh nhân dân; Hộ chiếu Việt Nam; Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi (Điều 11).

4. Trở lại quốc tịch Việt Nam

Điều 23 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008  quy định đối với những người đã mất quốc tịch Việt Nam mà có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây: “a) Xin hồi hương về Việt Nam; b) Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam; c) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; d) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đ) Thực hiện đầu tư tại Việt Nam; e) Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài ”. Đồng thời điều 23 cũng nêu rõ việc trở lại quốc tịch Việt Nam sẽ không được chấp nhận, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia Việt Nam (Khoản 2 Điều 23).

So với các điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam quy định tại Điều 21 Luật năm 1998, Luật năm 2008 đã quy định mở rộng thêm một số trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam, đó là: thực hiện đầu tư tại Việt Nam hoặc đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người gốc Việt Nam quay trở lại đầu tư về Việt Nam và muốn hưởng những ưu đãi đầu tư như đối với công dân Việt Nam. Đồng thời, cũng giải quyết được vướng mắc hiện nay là nhiều trường hợp đã xin thôi quốc tịch Việt Nam nhưng lại không được nhập quốc tịch nước ngoài.

Luật năm 2008 cũng bổ sung điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam đối với người bị tước quốc tịch Việt Nam, bổ sung quy định về tên gọi Việt Nam của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam và các trường hợp có thể được Chủ tịch nước cho phép giữ quốc tịch nước ngoài (Khoản 3, 4, 5 Điều 23).

5. Mất quốc tịch Việt Nam

Theo Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008, công dân Việt Nam mất quốc tịch Việt Nam trong các trường hợp sau:

Thứ nhất, được thôi quốc tịch Việt Nam.

Thôi quốc tịch Việt Nam là trường hợp công dân Việt Nam, do nhiều lí do khác nhau, tự nguyện xin được phép thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch của một nhà nước khác (Ví dụ: xây dựng gia đình với công dân nước ngoài; sang nước ngoài sinh sống với con cái; …). Trước tình hình như vây, để tạo điều kiện cho người Việt Nam làm ăn, sinh sống và phát triển ở nước ngoài một cách thuận lợi, Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài thì có thể được thôi quốc tịch Việt Nam (Khoản 1 Điều 27). Tuy nhiên, cũng như nhiều nước trên thế giới, pháp luật quốc tịch của Nhà nước ta quy định cụ thể những người nếu xin thôi quốc tịch thì chưa được thôi (Khoản 2 Điều 27), trong đó so với Luật năm 1998 có bổ sung thêm 2 trường hợp chưa được thôi quốc tịch Việt Nam là : “d) Đang bị tạm giam để chờ thi hành án; đ) Đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng”. Đồng thời, Luật quốc tịch năm 2008 cũng quy định cụ thể hai đối tượng không được thôi quốc tịch Việt Nam là : việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó làm phường hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam (Khoản 3 Điều 27); Là cán bộ, công chức và những người đang phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân (Khoản 4 Điều 27).

Thứ hai,  bị tước quốc tịch Việt Nam.

Theo Điều 31 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008, công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người đã được nhập quốc tịch Việt Nam có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành động gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ ba, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Theo Điều 33 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của người đã nhập quốc tịch Việt Nam mà cố ý khai báo sai sự thật hoặc giả mạo giấy tờ khi xin nhập quốc tịch Việt Nam.

Ngoài các trường hợp trên, việc mất quốc tịch còn có thể xảy ra trong các trường hợp sau: Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 và Điều 35 của Luật này; Theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (Khoản 4, 5 Điều 26). Ngoài ra, do bổ sung quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam tại khoản 2 Điều 13, nên Luật năm 2008 cũng bổ sung một căn cứ mất quốc tịch Việt Nam, đó là “Không đăng ký giữ quốc tịch Việt nam theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này” (Khoản 3 Điều 26) .

6. Thay đổi quốc tịch của người chưa thành niên và của con nuôi

Về quốc tịch của con chưa thành niên:

Thứ nhất, trường hợp cha mẹ được nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam.

Điều 35 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định: “1. Khi có sự thay đổi về quốc tịch do nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam của cha mẹ thì quốc tịch của con chưa thành niên sinh sống cùng với cha mẹ cũng được thay đổi theo quốc tịch của họ; 2. Khi chỉ cha hoặc mẹ được nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam thì con chưa thành niên sinh sống cùng với người đó cũng có quốc tịch Việt Nam hoặc mất quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ” (Khoản 1, 2 Điều 35).

Thứ hai, trường hợp cha mẹ bị tước quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quốc tịch cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Điều 36 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định: “Khi cha mẹ hoặc một trong hai người bị tước quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam thì quốc tịch của con chưa thành niên không thay đổi”.

Về quốc tịch của con nuôi chưa thành niên:

Điều 37 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định quốc tịch của con nuôi chưa thành niên trong 3 trường hợp. Đó là:

1. Trẻ em là công dân Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi thì vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

2. Trẻ em là người nước ngoài được công dân Việt Nam nhận làm con nuôi thì có quốc tịch Việt Nam, kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam công nhận việc nuôi con nuôi.

3. Trẻ em là người nước ngoài được cha mẹ mà một người là công dân Việt Nam, còn người kia là người nước ngoài nhận làm con nuôi thì được nhập quốc tịch Việt Nam theo đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam của cha mẹ nuôi và được miễn các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này.

7. Thẩm quyền và thủ tục giải quyết các vấn đề về quốc tịch

Về thẩm quyền giải quyết các vấn đề về quốc tịch: Nếu như Luật quốc tịch Việt Nam năm 1988 chỉ có 1 điều (Điều 15) quy định chung về thẩm quyền của Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) trong việc cho nhập, cho trở lại, cho thôi, tước quốc tịch và hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam thì Luật quốc tịch năm 1998 đã dành hẳn một chương (chương V) quy định cụ  thể về thẩm quyền của các cơ quan nhà nước đối với các vấn đề về quốc tịch. Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 vẫn giữ nguyên các điều khoản của Luật quốc tịch 1998.

Theo đó : Điều 38 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước về quốc tịch, Điều 39 quy định trách nhiệm của Chính phủ về quốc tịch; Điều 40 quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Về thủ tục giải quyết các vấn đề về quốc tịch:

Thứ nhất, Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã luật hóa một số quy định về thủ tục, trình tự giải quyết các việc về quốc tịch trước đây thể hiện trọng các văn bản dưới luật.

Qua đó làm cho Luật này có nhiều quy định về thủ tục cụ thể hơn Luật năm 1998. Ví dụ: Điều 8 (quy định về hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam) Nghị định của Chính phủ số 104/1998/NĐ/CP ngày 31/12/1998 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật quốc tịch Việt Nam năm 1998 đã được luật hóa và thể hiện trong Điều 20 Luật quốc tịch năm 2008; Điều 20 (Hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam) Nghị định nói trên cũng được luật hóa và thể hiện trong Điều 28 Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008.

Thứ hai, so với Luật năm 1998, Luật năm 2008 đã bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch .

Đó là: trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam; xin thôi quốc tịch Việt Nam; xin trở lại quốc tịch Việt Nam; tước quốc tịch Việt Nam; huỷ bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Đối với từng việc về quốc tịch, Luật quy định cụ thể hồ sơ gồm những giấy tờ gì (các Điều 20, Điều 24, Điều 28) và quy trình giải quyết hồ sơ từ cấp tỉnh đến cấp Trung ương. Theo đó, đối với những người muốn nhập, trở lại hoặc thôi quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi cư trú (đối với người xin thôi quốc tịch Việt Nam hiện đang ở nước ngoài có thể nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), sau đó Sở Tư pháp sẽ có văn bản đề nghị cơ quan Công an cấp tỉnh xác minh về nhân thân của người xin nhập, trở lại, xin thôi quốc tịch Việt Nam. Sau khi nhận được kết quả xác minh của cơ quan Công an, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp. Riêng trường hợp người xin thôi quốc tịch Việt Nam gửi hồ sơ tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thẩm tra và chuyển hồ sơ về Bộ Ngoại giao để chuyển đến Bộ Tư pháp. Sau khi nhận được hồ sơ do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chuyển đến, Bộ Tư pháp có trách nhiệm xử lý hồ sơ, làm các thủ tục cần thiết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Thứ ba,  Luật quốc tịch năm 2008 thể hiện sự cải cách thủ tục hành chính làm cho các thủ tục nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch Việt nam đơn giản hơn và rút ngắn hơn thời gian chờ đợi của người làm thủ tục.

Theo Luật năm 2008, tổng thời gian giải quyết tại các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp Trung ương đối với việc nhập quốc tịch là 115 ngày (không kể thời gian bổ sung hồ sơ của người xin nhập quốc tịch), đối với việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam là 85 ngày (trường hợp nộp hồ sơ ở trong nước) hoặc 70 ngày (trường hợp nộp hồ sơ ở cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài), đối với việc xin thôi quốc tịch Việt Nam là 80 ngày (trường hợp nộp hồ sơ ở Sở Tư pháp) hoặc 65 ngày (trường hợp nộp hồ sơ tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài). Các thời hạn trên là thời gian giải quyết hồ sơ thực tế tại các cơ quan có thẩm quyền, không tính thời gian trung chuyển hồ sơ.

Luật năm 1998 không quy định trình tự giải quyết từng việc cụ thể nhưng có quy định thời hạn giải quyết đơn yêu cầu về quốc tịch tại Điều 38, theo đó, thời hạn giải quyết đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam là không quá 12 tháng, đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam, xin trở lại quốc tịch Việt Nam không quá 6 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Như vậy, so với thời hạn được quy định trong Luật năm 1998, thời hạn giải quyết các việc về quốc tịch quy định trong Luật năm 2008 đã được rút ngắn đáng kể. Đây có thể coi là bước đột phá trong việc giải quyết hồ sơ quốc tịch, góp phần thực hiện công khai, minh bạch hoá các thủ tục hành chính và cải cách hành chính theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc quy định thời gian giải quyết hồ sơ ở từng công đoạn trong quy trình tạo điều kiện cho người dân có cơ sở pháp lý yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các việc về quốc tịch.

Nguồn: dankinhte.vn

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2036 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;