Ép cung, bức cung sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định hiện hành?

Hành vi ép cung, bức cung sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào? Có bị phạt tù hay không? Đây là câu hỏi của anh Trần Văn T. gửi cho Ban biên tập Thư Ký Luật giờ giải đáp ngày 16/6/2020.

Tội ép cung, bức cung

Ép cung, bức cung sẽ bị xử lý như thế nào? Ảnh minh họa

Về vấn đề này của anh T., Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin có giải đáp như sau:

Bức cung (hay còn gọi là ép cung) là hành vi của người có trách nhiệm lấy lời khai trong hoạt động điều tra, truy tố hay xét xử đã sử dụng những thủ đoạn khác nhau trái pháp luật (tức không đúng với quy định của pháp luật) về tố tụng nhằm cưỡng ép người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai sai những điều họ biết. Các thủ đoạn này có thể là đe dọa sẽ dùng nhục hình; đe dọa sẽ xử nặng; đe dọa sẽ bắt giam, sẽ xét xử người thân thích,... của người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung.

Bức cung không chỉ xâm phạm quyền nhân thân của người bị lấy lời khai mà còn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như dẫn đến xử sai, xử oan, bỏ lọt người phạm tội, xử quá nặng hoặc quá nhẹ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của công dân hoặc cũng có thể gây dư luận xấu, gây bất bình trong một bộ phận lớn trong nhân dân địa phương,... Do đó, bức cung luôn bị coi là hành vi trái pháp luật và bị pháp luật nghiêm cấm.

Cụ thể, theo Điều 374 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội bức cung như sau:

Điều 374. Tội bức cung

1. Người nào trong hoạt động tố tụng mà sử dụng thủ đoạn trái pháp luật ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai ra thông tin liên quan đến vụ án, vụ việc, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

d) Dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm người bị lấy lời khai, hỏi cung;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

e) Dẫn đến làm sai lệch kết quả khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử;

g) Ép buộc người bị lấy lời khai, người bị hỏi cung phải khai sai sự thật.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm người bị bức cung tự sát;

b) Dẫn đến bỏ lọt tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm người bị bức cung chết;

b) Dẫn đến làm oan người vô tội;

c) Dẫn đến bỏ lọt tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, có thể thấy, theo quy định trên tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì đối với người có hành vi bức cung, tùy theo mức độ mà sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm, thậm chí là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm.

Nguyễn Trinh 

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
6618 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;