Phòng vệ chính đáng: Như thế nào là chống trả cần thiết?

Chế định phòng vệ chính đáng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xác định hành vi chống trả của một người có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không. Tuy nhiên, trong thực tiễn lý luận và cả vận dụng chế định này để đấu tranh phòng, chống tội phạm vẫn còn nhiều quan điểm chưa đồng nhất, dẫn đến chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nhất là trong việc xác định tính “cần thiết” của việc phòng vệ.

Phòng vệ chính đáng, Bộ luật Hình sự 2015

Phòng vệ chính đáng: Như thế nào là chống trả cần thiết? (Ảnh minh họa)

1. Quy định của pháp luật về Phòng vệ chính đáng

Phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó:

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng khi có đủ các yếu tố sau:

  • Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ phải là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm đáng kể cho xã hội;

  • Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ;

  • Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe doạ, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại;

  • Hành vi phòng vệ phải cần thiết với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.

Quyền phòng vệ chính đáng chỉ phát sinh khi hành vi tấn công trái pháp luật gây thiệt hại đến các lợi ích đang hiện hữu xảy ra và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu hành vi tấn công xâm hại đã dừng lại trên thực tế thì quyền phòng vệ không còn, bởi gây thiệt hại cho người đã có hành vi tấn công trái pháp luật ở thời điểm này là không cần thiết, không phù hợp với mục đích của phòng vệ chính đáng.

2. Thế nào là "phòng vệ cần thiết đối với hành vi xâm hại”?

Cần thiết không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe doạ gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ.

Để xem xét hành vi phòng vệ của một người có cần thiết hay không, có vượt quá giới hạn cho phép hay không thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm phạm lợi ích và hành vi phòng vệ đó. Như:

  • Khách thể bị xâm hại;

  • Mức độ thiệt hại xảy ra hoặc có thể xảy ra nếu không sử dụng hành vi phòng vệ;

  • Mức độ thiệt hại của hành vi phòng vệ gây ra nhằm ngăn chặn hành vi gây thiệt hại đến lợi ích chính đáng cần được bảo vệ;

  • Phương tiện, vũ khí, phương pháp mà hai bên đã sử dụng trong tình huống; cường độ tấn công của người xâm hại lợi ích và người phòng vệ;

  • Nhân thân của hai bên, hoàn cảnh, điều kiện và nơi xảy ra sự việc.

Sau khi xem xét hết đầy đủ và khách quan các yếu tố này trên hoàn cảnh thực tế xảy ra sự việc mới có thể kết luận được sự cần thiết của việc đưa ra quyết định sử dụng hành vi bạo lực chống trả lại sự xâm hại lợi ích của bên phòng vệ là cần thiết hay không, có vượt quá giới hạn hay không.

Sự cần thiết trong hành vi phòng vệ khác với sự tương xứng về hành vi, không có nghĩa là ngang bằng. Trong nhiều trường hợp hành vi phòng vệ không tương xứng với hành vi xâm phạm nhưng vẫn được coi là phòng vệ chính đáng. Cần thiết ở đây phải được hiểu theo nghĩa là cần phải chống trả, không thể không chống trả trước hành vi xâm hại lợi ích của xã hội. Khi đã xác định là hành vi chống trả cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.

Ví dụ: A và B có mâu thuẫn dẫn đến việc đánh nhau, B đánh vào A nhưng đều bị A đỡ được và đánh trả lại. Biết mình không đánh lại A nên B chạy vào nhà A đánh bố của A đang bị bệnh liệt nửa người nằm trên giường. A thấy vậy chạy vào quơ lấy cây gậy cạnh đầu giường đánh vào đầu B khiến B bất tỉnh. B chết trên đường đi cấp cứu. Trường hợp này mặc dù hậu quả xảy ra cho B lớn hơn hậu quả của hành vi của B đối với bố của A, nhưng để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của bố mình A phải có hành vi chống trả. Việc chống trả trong trường hợp này của A là cần thiết, do đó hành vi của A cần được coi là phòng vệ chính đáng.

Một ví dụ khác về sự cần thiết của hành vi phòng vệ chính đáng. Chị H và người hàng xóm có mâu thuẫn dẫn đến cự cãi. Sau khi về nhà và nghe vợ kể lại câu chuyện, anh Q chồng chị H  qua nhà và dùng tay không đánh vào mặt của chị X hàng xóm vì cho rằng chị X đã có lời nói xúc phạm đến gia đình mình. Anh M chồng chị X về đến đầu ngõ nhìn thấy hết mọi việc lập tực chạy thật nhanh về nhà. Lúc này, anh Q đã quay ra bỏ về và đi tới cổng nhà chị X thì gặp anh M. Cho rằng anh Q dùng vũ lực đối với vợ mình sẽ gây ảnh hưởng đến đứa con của hai vợ chồng mà chị X đang mang được hơn 4 tháng, anh M sẵn cây cuốc đang cầm trên tay bủa thật mạnh vào đầu anh Q làm anh Q chấn thương sọ não và chết trên đường đi cấp cứu. Hành vi của anh M trong trường hợp này được xác định là không cần thiết do hành vi xâm hại lợi ích của anh Q đã kết thúc trước đó. Vì vậy, việc anh M dùng cuốc sắt gây tổn hại về sức khỏe, tính mạng cho anh Q trong trường hợp này không được coi là phòng vệ chính đáng.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm, nhưng nếu hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, trách nhiệm hình sự đối với họ được giảm nhẹ rất nhiều so với trường hợp tội phạm không thuộc trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Đức Thảo

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3818 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;