Quy định về xét xử vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi

Dự thảo Thông tư quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự (VAHS) có người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên đang được TANDTC lấy ý kiến góp ý với nhiều quy định nổi bật, đáng chú ý như:

 

Dự thảo Thông tư nêu rõ phạm vi điều chỉnh của Thông tư là xét xử VAHS có bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc VAHS mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác.thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên.

 

  1. 04 VAHS không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa gia đình

Theo đó, những VAHS có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi không thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và Người chưa thành niên bao gồm:

  • VAHS có bị cáo là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng.

  • VAHS có bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm một trong các tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự.

  • VAHS vừa có bị cáo là người dưới 18 tuổi vừa có bị cáo là người đủ 18 tuổi trở lên, nhưng người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy là người đủ 18 tuổi trở lên.

  • VAHS không có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập.

  1. Yêu cầu kinh nghiệm khi xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm

Khi tiến hành xét xử VAHS có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, Chánh án Tòa án phân công Hội đồng xét xử vụ án đáp ứng 02 điều kiện sau:

Thứ nhất, Thẩm phán là người có kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi từ 02 năm trở lên hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi, về kỹ năng giải quyết các VAHS có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

Thứ hai,  có 01 Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.

Người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi bao gồm các đối tượng sau:

  • Thẩm phán Tòa Gia đình và Người chưa thành niên;
  • Giáo viên đã nghỉ hưu;
  • Công chức văn hóa - xã hội cấp xã;
  • Cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã;
  • Cán bộ làm công tác xã hội, cộng tác viên trẻ em;
  • Người đã tham gia công tác tại cơ quan, tổ chức liên quan đến hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và giáo dục người dưới 18 tuổi;
  • Cán bộ quản lý trường hợp phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại xã, phường, thị trấn;
  • Đại diện Hội phụ nữ, Hội bảo vệ quyền trẻ em, Hội Cựu chiến binh có kinh nghiệm trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người phạm tội và người vi phạm pháp luật là người dưới 18 tuổi hoặc những người khác có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.


Hình ảnh minh họa

  1. Không xét xử lưu động VAHS có người < 18 tuổi

  2. Xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai

Dự thảo Thông tư quy định việc xét xử VAHS có bị cáo, người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi phải thực hiện đúng quy định tại Điều 414, Điều 423 của Bộ luật tố tụng hình sự, cụ thể:

  • Đối với VAHS có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục hoặc bị mua bán thì phải xét xử kín;
  • Đối với những vụ án khác có yêu cầu xét xử kín thì xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
  1. Hoãn phiên tòa khi người đại diện, nhà trường vắng mặt

Trong phiên tòa xét xử VAHS có người dưới 18 tuổi thì việc tham gia, có mặt của người đại diện của bị cáo là người dưới 18 tuổi, đại diện nhà trường, cơ quan, tổ chức nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt là nguyên tắc tiến hành tố tụng cần được bảo đảm. Theo đó:

  • Nếu người đại diện của bị cáo, đại diện nhà trường, cơ quan, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh sống vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa;
  • Nếu người đại diện của bị cáo, đại diện nhà trường, cơ quan, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh sống vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì Tòa án tiến hành xét xử theo thủ tục chung.
  1. Hạn chế tiếp xúc bị hại, người làm chứng với bị cáo khi lấy lời khai

Đây là trách nhiệm của Hội đồng xét xử trong việc lấy lời khai của bị hại, người làm chứng, bị cáo tại phiên tòa.

Đối với những vụ án xâm hại tình dục trẻ em, mua bán người dưới 16 tuổi thì Hội đồng xét xử có thể lấy lời khai ở phòng cách ly và truyền thông tin, hình ảnh đến phòng xử án. Trong trường hợp này, việc lấy lời khai cần có sự tham gia, hỗ trợ của chuyên gia, cán bộ tâm lý - xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2474 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;