Tiệm vàng chuyển tiền lậu ra nước ngoài sẽ bị xử lý như thế nào?

Gần đây, vụ án Nhật Cường buôn lậu và rửa tiền đang là vấn đề được dư luận quan tâm, đặc biệt là việc tiệm vàng chuyển hàng ngàn tỷ đồng ra nước ngoài. Vậy việc tiệm vàng chuyển tiền lậu ra nước ngoài sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật Việt Nam?

 

tiệm vàng chuyển tiền lậu ra nước ngoài, Luật Các tổ chức tín dụng 2010

Tiệm vàng chuyển tiền lậu ra nước ngoài sẽ bị xử lý như thế nào? (Ảnh minh họa)

1. Tiệm vàng có chức năng chuyển tiền ra nước ngoài không?

Theo kết luận điều tra, tổng giám đốc Bùi Quang Huy của công ty Nhật Cường và đồng phạm đã thông qua 2 tiệm vàng tại Hà Nội là Lộc Phát (ở phố Hà Trung, do Nguyễn Thị Thanh Loan làm chủ) và Thuận Phát (ở phố Hàng Dầu, do Bùi Thanh Phượng điều hành) để chuyển tiền hàng, tiền cước vận chuyển hàng lậu vào các tài khoản của chủ hàng và đường dây vận chuyển ở nước ngoài.

Thực tế, hiện nay một số tiệm vàng đã và đang thực hiện việc quy đổi ngoại tệ và chuyển vào tài khoản nước ngoài. Hoạt động này được gọi là "hoạt động ngân hàng" theo khoản 1 Điều 6 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam 2010 và khoản 12 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Tuy nhiên, theo Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, chỉ những tổ chức tín dụng sau mới được thực hiện "hoạt động ngân hàng":

- Ngân hàng;

- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng (công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác);

- Tổ chức tài chính vi mô;

- Quỹ tín dụng nhân dân;

- Ngân hàng hợp tác xã;

- Tổ chức tín dụng nước ngoài.

Ngoài ra, Điều 8 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng.

Như vậy, tiệm vàng không phải là một tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật nên không thể thực hiện hoạt động ngân hàng, tức là không thể cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

2. Việc tiệm vàng chuyển tiền ra nước ngoài sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo quy định pháp luật hiện hành, việc tiệm vàng chuyển tiền ra nước ngoài với vai trò là trung gian thanh toán như ngân hàng sẽ bị xử lý như sau:

- Đối với hoạt động ngoại hối không có giấy phép sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo điểm c khoản 8 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP với mức phạt tiền lên đến 250.000.000 đồng, cụ thể:

8. Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
c) Hoạt động ngoại hối khi không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép.

- Đối với hoạt động trung gian thanh toán không có giấy phép: Sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo khoản 5 Điều 27 Nghị định 88/2019/NĐ-CP với mức phạt tiền lên đến 250.000.000 đồng, cụ thể:

5. Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với hành vi cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không có giấy phép.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

- Đối với hành vi chuyển tiền trái phép ra nước ngoài sẽ bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo quy định tại điểm h khoản 4 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, cụ thể:

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

...

h) Chuyển, mang ngoại tệ, đồng Việt Nam ra nước ngoài, vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật, trừ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan;

Đặc biệt, tùy vào mức độ hành vi, tùy vào giá trị vận chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới theo Điều 189 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt cao nhất như sau:

+ Cá nhân: Phạt tiền từ 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

+ Pháp nhân thương mại: Phạt tiền từ 02 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc vĩnh viễn.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Hiện nay, không chỉ có tiệm vàng trong vụ án trên thực hiện các hành vi vi phạm này mà còn một số tiệm vàng khác cũng đã, đang âm thầm thực hiện miễn là người dân có nhu cầu. Để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, ..., là công dân Việt Nam, chúng ta cần trang bị cho mình kiến thức pháp luật nhất định, không vì cái tiện lợi trước mắt, không vì lợi ích nhỏ của riêng mình mà tiếp tay cho tội phạm lộng hành.

Hải Thanh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2370 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;