Bổ sung cách tính số lợi bất hợp pháp trong lĩnh vực tài nguyên nước, KS

Đây là quy định mới đáng chú ý được bổ sung tại Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Ảnh minh họa

Theo đó, Nghị định này đã kế thừa định nghĩa về số lợi bất hợp pháp tại Nghị định 33/2017/NĐ-CP, là số lợi có được do thực hiện hành vi vi phạm, đồng thời đã bổ sung cách tính số lợi bất hợp pháp đối với từng loại tài nguyên và khoáng sản.

Cụ thể, theo quy định tại điểm r khoản 3 Điều 4 Nghị định 36/2020/NĐ-CP:

Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước đối với trường hợp khai thác nước cho sản xuất thủy điện và sản xuất, kinh doanh nước sạch là toàn bộ số tiền mà tổ chức, cá nhân thu được khi thực hiện hành vi vi phạm trừ (-) chi phí trực tiếp để khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác nước cho các mục đích sản xuất phi nông nghiệp khác với sản xuất thủy điện và sản xuất, kinh doanh nước sạch thì số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm bằng (=) tổng lượng nước khai thác nhân (x) giá bán nước sạch cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trừ (-) chi phí trực tiếp để khai thác sử dụng tài nguyên nước.

Số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm đối với lĩnh vực khoáng sản là toàn bộ số tiền tương ứng với tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác nhân (x) với giá của một đơn vị khối lượng khoáng sản tính thuế tài nguyên (tấn, m3, kg,...) tại thời điểm xác định mà tổ chức, cá nhân thu được khi thực hiện hành vi vi phạm trừ (-) đi chi phí trực tiếp để có được khối lượng khoáng sản đó.

Hiện nay, Nghị định 33/2017/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể về cách tính số lợi bất hợp pháp, mà chỉ quy định buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp. Do đó, việc bổ sung cách tính số lợi bất hợp pháp của Nghị định 36/2020/NĐ-CP sẽ giúp cho cơ quan có thẩm quyền và đối tượng vi phạm có cơ sở xác định số lợi bất hợp pháp phải nộp, qua đó đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật cũng như đảm bảo quyền lợi của đối tượng có nghĩa vụ nộp lại số lợi bất hợp pháp đó.

Bên cạnh cách tính trên, Nghị định 36/2020/NĐ-CP còn quy định rõ trường hợp tổ chức, cá nhân đã nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và các khoản phí, lệ phí khác theo quy định do thực hiện hành vi vi phạm vào ngân sách nhà nước thì các khoản chi phí trên được trừ đi khi tính số lợi bất hợp pháp.

Xem thêm các quy định khác tại Nghị định 36/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/05/2020.

Toàn Trung

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1698 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;