Hiểu thế nào về các cấp độ rủi ro thiên tai do bão, lũ, ngập lụt?

Việt Nam đang vào mùa mưa bão trên diện rộng, các báo, tin thời sự cập nhật liên tục về các cấp độ rủi ro của bão lũ mỗi ngày. Vậy hiểu thế nào về các cấp độ rủi ro thiên tai do bão, lũ, ngập lụt?

cấp độ rủi ro thiên tai

Hiểu thế nào về các cấp độ rủi ro thiên tai do bão, lũ, ngập lụt? (Ảnh minh họa)

Tại khoản 1 Điều  1 Quyết định 44/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai quy định quy định cấp độ rủi ro thiên tai là sự phân định mức độ thiệt hại do thiên tai áp thấp nhiệt đới, bão, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ,… và các loại thiên tai khác có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội. Theo đó, các cấp độ rủi ro thiên tai được quy định cụ thể như sau:

1. 05 cấp độ rủi ro thiên tai theo mức độ tăng dần

Theo Điều 2 Quyết định 44/2014/QĐ-TTg quy định cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai, cụ thể:

Cấp độ rủi ro thiên tai

Màu sắc đặc trưng

Mức độ rủi ro

Cấp 1

Xanh dương nhạt

Nhỏ

Cấp 2

Vàng nhạt

Trung bình

Cấp 3

Da cam

Lớn

Cấp 4

Đỏ

Rất lớn

Cấp 5

Tím

Thảm họa

Đặc biệt, cấp độ rủi ro thiên tai sẽ được công bố cùng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai.

Như vậy, dựa vào bảng các cấp độ rủi ro thiên tai và màu sắc đặc trưng sẽ dễ dàng trong việc hiểu và theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, ngập lụt,…

2. Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão

Theo Điều 3 Quyết định 44/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai quy định các cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão có 3 cấp, thấp nhất là cấp 3 và cao nhất là cấp 5, cụ thể như sau:

Cấp độ rủi ro thiên tai

Mức độ áp thấp nhiệt đới, bão

Cấp độ 3

- Áp thấp nhiệt đới, bão cấp 8, cấp 9 hoạt động trên:

+ Biển Đông: cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

+ Vùng biển ven bờ: vịnh Bắc Bộ, Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang.

+ Trên đất liền: khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ.

- Bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên:

+ Biển Đông: cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

+ Vùng biển ven bờ, trên đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ.

- Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên Biển Đông (cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).

Cấp độ 4

- Bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ.

- Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ;

- Siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).

Cấp độ 5

- Bão rất mạnh từ cấp 12 đến cấp 15 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ.

- Siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ.

Lưu ý: Cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão được xem xét xác định tăng thêm 01 cấp, đến cấp cao nhất là cấp 5 nếu thuộc trường hợp sau:

  • Áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển ven bờ kết hợp với hoạt động của gió mùa Đông Bắc, gió mùa Tây Nam mạnh.

  • Áp thấp nhiệt đới, bão hoạt động trên đất liền nơi đang xảy ra mưa lớn, lũ, ngập lụt lớn hoặc trùng hợp với thời kỳ triều cường, nước biển dâng cao ở vùng ven bờ.

3. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt

Tại Điều 10 Quyết định 44/2014/QĐ-TTg quy định các cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt có 5 cấp, cụ thể như sau:

Cấp độ rủi ro thiên tai

Mức độ lũ, ngập lụt

Cấp độ 1

- Mực nước lũ cao từ báo động 2 lên đến báo động 3 ở:

+ Hạ lưu nhiều sông vừa;

+ Thượng lưu sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba;

+ Các nhánh lớn sông Hồng - Thái Bình;

+ Đồng bằng sông Cửu Long;

- Mực nước lũ cao từ báo động 3 lên đến trên báo động 3 khoảng 01 m, ở nhiều sông nhỏ; thượng lưu nhiều sông vừa.

Cấp độ 2

- Mực nước lũ cao từ báo động 2 lên đến báo động 3 ở:

+ Hạ lưu sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba;

+ Hạ lưu sông Hông - Thái Bình.

- Mực nước lũ cao từ báo động 3 lên đến trên báo động 3 khoảng 01m ở:

+ Hạ lưu nhiều sông vừa;

+ Thượng lưu sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba;

+ Các nhánh lớn sông Hồng - Thái Bình.

- Mực nước lũ cao từ trên báo động 3 khoảng 01 m đến mức lũ lịch sử ở nhiều sông nhỏ; thượng lưu nhiều sông vừa.

Cấp độ 3

- Mực nước lũ cao từ báo động 3 lên đến trên báo động 3 khoảng 01 m, ở:

+ Hạ lưu sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba;

+ Hạ lưu sông Hồng - Thái Bình.

- Mực nước lũ cao từ báo động 3 lên đến trên báo động 3 khoảng 0,5 m ở đồng bằng sông Cửu Long.

- Mực nước lũ cao từ trên báo động 3 khoảng 01 m đến mức lũ lịch sử ở:

+ Hạ lưu nhiều sông vừa; sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba;

+ Các nhánh lớn sông Hồng - Thái Bình.

- Mực nước lũ cao trên mức lũ lịch sử ở nhiều sông nhỏ; thượng lưu nhiều sông vừa.

Cấp độ 4

- Mực nước lũ cao từ trên báo động 3 khoảng 01 m đến mức lũ lịch sử ở hạ lưu sông Hồng - Thái Bình.

- Mực nước lũ cao từ trên báo động 3 khoảng 0,5 m đến trên mức lũ lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long.

- Mực nước lũ cao trên mức lũ lịch sử ở:

+ Hạ lưu nhiều sông vừa;

+ Sông Mã, sông Cả, sông Đồng Nai, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba;

+ Các nhánh lớn sông Hồng - Thái Bình.

Cấp độ 5

Xảy ra lũ với mực nước cao trên mức lũ lịch sử ở hạ lưu sông Hồng - Thái Bình

Lưu ý: Khi có tác động tổ hợp với các thiên tai khác thì cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt được xem xét như sau:

  • Tăng lên 01 cấp, đến cấp cao nhất là cấp 5, khi có tổ hợp tác động của áp thấp nhiệt đới, bão có cấp độ rủi ro thiên tai thấp hơn cấp độ rủi ro của lũ, ngập lụt.

  • Tăng lên 02 cấp, đến cấp cao nhất là cấp 5, khi có tổ hợp tác động của áp thấp nhiệt đới, bão và sự cố vỡ đập hồ chứa nước ở thượng nguồn.

  • Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt khi có tổ hợp tác động của áp thấp nhiệt đới, bão có cấp độ rủi ro thiên tai bằng hoặc lớn hơn (≥) cấp độ rủi ro của lũ, ngập lụt, được xem xét xác định theo cấp độ rủi ro thiên tai của bão, áp thấp nhiệt đới.

Như vậy, pháp luật đã quy định rõ về các cấp độ rủi ro thiên tai, đặc biệt là về bão, lũ, ngập lụt, đây cũng là cơ sở cho việc phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó với thiên tai của các cơ quan chức năng. Mặt khác, việc nhận thức đúng các quy định này còn giúp mọi người hiểu được mức độ của thiên tai đang xảy ra khi theo dõi tin thời sự, đồng thời chủ động hơn trong công tác phòng chống bão lũ, nhất là trong giai đoạn bão liên tiếp xảy ra hiện nay.

Lê Vy

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3564 lượt xem
Liên quan Văn bản
Liên quan Bài viết
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;