Thủ tục yêu cầu bảo vệ quyền lợi của luật sư bị xâm phạm khi hành nghề

Mới đây, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành Quyết định 139/QĐ-BTV năm 2020 về hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư bị xâm phạm trong quá trình hành nghề. Theo đó, thủ tục bảo vệ quyền lợi của luật sư khi bị xâm phạm được thực hiện như sau:

bảo vệ quyền lợi của luật sư, Quyết định 139/QĐ-BTV

Thủ tục yêu cầu bảo vệ quyền lợi của luật sư bị xâm phạm khi hành nghề (Ảnh minh họa)

1. Xác định thẩm quyền giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi của luật sư

Để thực hiện yêu cầu bảo vệ quyền lợi của luật sư, trước tiên chủ thể bị xâm phạm cần xác định được cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bảo vệ, bao gồm:

Đoàn Luật sư

Đoàn Luật sư có thẩm quyền đối với các yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư trong quá trình hành nghề.

Đối với các vụ việc mà chủ thể nói trên có yêu cầu bảo vệ gửi trực tiếp cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam (không gửi hoặc gửi đồng thời cho Đoàn Luật sư) thì Liên đoàn chuyện yêu cầu về Đoàn Luật sư giải quyết theo thẩm quyền.

Ủy ban Bảo vệ quyền lợi luật sư trực thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam (gọi tắt là Ủy ban Bảo vệ)

Ủy ban Bảo vệ sẽ giải quyết:

  • Các yêu cầu mà Đoàn Luật sư đã có văn bản bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho luật sư nhưng không nhận được kết quả giải quyết của chủ thể xâm phạm hoặc kết quả giải quyết không phù hợp với quy định của pháp luật;

  • Các yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể bị xâm phạm liên quan đến chính sách, pháp luật, ảnh hưởng đến quyền hành nghề của luật sư;

  • Các yêu cầu có nhiều tình tiết phức tạp; mang tính chất cấp thiết, nghiêm trọng hoặc trường họp chủ thể giải quyết liên quan đến nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức nhà nước ở Trung ương.

2. Thủ tục yêu cầu bảo vệ quyền lợi của luật sư bị xâm phạm khi hành nghề

Gửi yêu cầu bảo vệ quyền lợi của luật sư bị xâm phạm khi hành nghề

Khi có hành vi xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư thì luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư có quyền gửi văn bản đến Đoàn Luật sư mà mình là thành viên để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Đoàn Luật sư ban hành văn bản gửi đến chủ thể xâm phạm. Nếu quá thời hạn chưa được giải quyết hoặc kết quả giải quyết không phù họp với quy định của pháp luật thì Đoàn Luật sư tiếp tục ban hành văn bản đến chủ thể xâm phạm, đồng thời đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam giải quyết.

Lưu ý: Chủ thể bị xâm phạm không phải làm văn bản gửi cho Liên đoàn.

Trường hợp chủ thể bị xâm phạm không thuộc thẩm quyền giải quyết của Liên đoàn Luật sư Việt Nam mà gửi yêu cầu đến Liên đoàn sẽ được Liên đoàn thông báo lại Đoàn Luật sư.

Trình tự tiếp nhận yêu cầu bảo vệ quyền lợi của luật sư tại Đoàn Luật sư

Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Đoàn Luật sư, sau khi tiếp nhận văn bản yêu cầu bảo vệ quyền lợi của luật sư Đoàn Luật sư sẽ tiến hành:

- Tiếp nhận yêu cầu bảo vệ quyền lợi của luật sư:

Đoàn Luật sư tiếp nhận yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư bị xâm phạm trong quá trình hành nghề, Văn phòng Đoàn Luật sư quản lý vào sổ và trình Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư xem xét.

Ban Chủ nhiệm giao hồ sơ yêu cầu bảo vệ quyền lợi của luật sư bị xâm phạm cho Ban chuyên môn hoặc Người phụ trách công tác bảo vệ của Đoàn Luật sư.

Người phụ trách công tác bảo vệ có thể mời chủ thể bị xâm phạm đến làm rõ sự việc, yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ; tiến hành các biện pháp xác minh; đưa ra các nhận định, đánh giá vụ việc sau đó báo cáo Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư để đưa ra biện pháp giải quyết vụ việc.

- Giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi của luật sư:

Đối với vụ việc đơn giản, chứng cứ rõ ràng, người phụ trách công tác bảo vệ dự thảo văn bản trình Chủ nhiệm Đoàn Luật sư xem xét kỹ văn bản gửi đến các chủ thể có thẩm quyền giải quyết và chủ thể đã có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư.

Đối với vụ việc liên quan đến quyền khiếu nại, tố cáo, kháng cáo hoặc hành vi vi phạm trình tự tố tụng thì Đoàn Luật sư hướng dẫn luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kháng cáo theo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo hoặc các bộ luật Tố tụng. Trường hợp chủ thể bị xâm phạm đã tiến hành gửi các loại đơn nêu trên đến các cơ quan có thẩm quyền thì yêu cầu chờ kết quả giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp Đoàn Luật sư gửi văn bản nhiều lần đến chủ thể xâm phạm mà không được giải quyết hoặc kết quả giải quyết không phù hợp pháp luật, Đoàn Luật sư có thể gửi văn bản báo cáo lên Liên đoàn xem xét giải quyết đồng thời thông báo cho chủ thể bị xâm phạm được biết.

Đối với những vụ việc phức tạp, có tính cấp thiết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, uy tín, danh dự, nhân phẩm của luật sư, Đoàn Luật sự khi nhận được đơn yêu cầu của luật sư thì thông báo ngay cho Liên đoàn để Liên đoàn giao cho Ủy ban Bảo vệ kịp thời phối hợp, hỗ trợ và có biện pháp bảo vệ.

Đối với vụ việc xảy ra tại một địa phương nhưng xâm phạm đến quyền và lợi ích của luật sư ở các Đoàn Luật sư khác nhau, các Đoàn Luật sư cần chủ động phối hợp với Đoàn Luật sư nơi xảy ra hành vi vi phạm để giải quyết. Đoàn Luật sư sở tại có trách nhiệm tạo điều kiện giúp đỡ các Đoàn Luật sư khác trong quá trình giải quyết vụ việc.

Đối với người tập sự hành nghề Luật sư, nếu bị người hướng dẫn tập sự xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp thì Đoàn Luật sư hướng dẫn thực hiện quyền khiếu nại theo quy định tại Luật Luật sư và Luật Khiếu nại. Nếu chủ thể xâm phạm là cá nhân, cơ quan, tổ chức nhà nước thì áp dụng theo khoản 5 Điều 3 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định 139/QĐ-BTV.

Trình tự tiếp nhận, giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi của luật sư tại Liên đoàn luật sư

Đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền của Liên đoàn luật sư, Liên đoàn luật sư sẽ thực hiện:

- Tiếp nhận yêu cầu:

Liên đoàn khi nhận đơn yêu cầu bảo vệ của các chủ thể bị xâm phạm thì Văn phòng Liên đoàn vào sổ quản lý sau đó trình Thường trực Liên đoàn đơn và các tài liệu kèm theo để giao Ủy ban Bảo vệ thực hiện theo chức năng nhiệm vụ.

- Giải quyết yêu cầu:

Văn phòng Liên đoàn chuyển toàn bộ hồ sơ (bản scan) của vụ việc cho Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ và các thành viên Ủy ban Bảo vệ theo hòm thư điện tử (email) đã đăng ký để các thành viên nghiên cứu đề xuất ý kiến về nội dung yêu cầu, phương pháp, cách thức giải quyết vụ việc hoặc phối hợp với Đoàn Luật sư và - Tuỳ theo nội dung, tính chất của vụ việc, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ cố thể ấn định thời hạn cho các thành viên Ủy ban gửi ý kiến đề xuất về Ủy ban Bảo vệ nhằm bảo đảm nguyên tắc kịp thời trong hoạt động bảo vệ. Một số vụ việc phức tạp, Chủ nhiệm Ủy ban có thể phân công một số thành viên Ủy ban phối hợp với Đoàn Luật sư địa phương tiến hành xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ, tổ chức các cuộc họp, trưng cầu ý kiến của các nhà chuyên môn... trong quá trình giải quyết.

Các ý kiến của các thành viên trong Ủy ban Bảo vệ phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, có căn cứ pháp lý và kịp thời.

Sau khi tổng hợp ý kiến đề xuất của các thành viên, Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ thông báo ý kiến sau cùng về vụ việc cho các thành viên Ủy ban, đồng thời giao bộ phận giúp việc dự thảo văn bản, gửi dự thảo văn bản cho Phó chủ tịch Liên đoàn phụ trách Ủy ban, Chủ nhiệm và các thành viên Ủy ban xem xét thông qua. Nếu các thành viên Ủy ban không còn ý kiến, Ủy ban Bảo vệ trình Phó chủ tịch phụ trách Ủy ban ký văn bản và phát hành.

Trên đây là toàn bộ hướng dẫn thực hiện thủ tục để yêu cầu bảo vệ quyền lợi của luật sư bị xâm phạm khi hành nghề, Qúy khách hàng và Thành viên có thể xem thêm về quy định này tại Quyết định 139/QĐ-BTV.

Thùy Trâm 

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
730 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;