6 điểm lưu ý về chế độ thử việc của NLĐ từ 01/01/2021

Thử việc là một trong những quy định bắt buộc trước khi NLĐ ký hợp đồng lao động chính thức làm việc cho NSDLĐ. Dưới đây là 06 điểm lưu ý về chế độ thử việc của NLĐ từ 01/01/2021.

thử việc

06 điểm lưu ý về chế độ thử việc của NLĐ từ 01/01/2021 (Ảnh minh họa)

1. NLĐ có thể không phải thử việc

Tại Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 quy định không áp dụng thử việc đối với NLĐ giao kết HĐLĐ có thời hạn dưới 01 tháng.

Lưu ý: Theo Điều 20 BLLĐ 2019 quy định về loại HĐLĐ thì từ 01/01/2021, chỉ ghi nhận 2 loại HĐLĐ sau:

  • HĐLĐ không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

  • HĐLĐ xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Theo đó, BLLĐ 2019 cho phép trường hợp NLĐ giao kết HĐLĐ xác định thời hạn là dưới 01 tháng thì không phải thử việc. Đối với tất cả các trường hợp khác đều bắt buộc thực hiện chế độ thử việc.

2. Nội dung của hợp đồng thử việc

Theo khoản 2 Điều 24 BLLĐ 2019 quy định nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc cụ thể như sau:

  • Thời gian thử việc;

  • Tên, địa chỉ của NSDLĐ và họ tên, chức danh của người giao kết HĐLĐ bên phía NSDLĐ;

  • Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ CCCD, CMND hoặc hộ chiếu của người giao kết HĐLĐ bên phía NLĐ;

  • Công việc và địa điểm làm việc;

  • Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

  • Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

  • Trang bị bảo hộ lao động cho NLĐ.

3. Thời gian thử việc

Tại Điều 25 BLLĐ 2019 quy định thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

  • Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

  • Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

  • Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

  • Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Theo đó, so với quy định tại Điều 27 BLLĐ 2012 thì từ ngày 01/01/2021 đã ghi nhận thêm trường hợp về thời gian thử việc không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp. Đối với các trường hợp còn lại thì giữ nguyên theo quy định hiện hành.

4. Không đóng BHXH trong thời gian thử việc

Theo quy định tại Điều 25 BLLĐ 2019 thì hợp đồng thử việc có thời hạn tối đa không quá 180 ngày. Khi thử việc đạt yêu cầu thì NSDLĐ phải ký HĐLĐ với NLĐ. Do đó, hợp đồng thử việc bản chất chưa phải là HĐLĐ.

Hơn nữa, tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng,.. Theo đó, không ghi nhận trường hợp người làm việc theo hợp đồng thử việc là đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 24 BLLĐ quy định về nội dung của hợp đồng thử việc thì nội dung về Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp không phải là nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng thử việc.

Do đó, trường hợp người lao động và sử dụng lao động ký hợp đồng thử việc riêng biệt (không ký hợp đồng lao động) thì thời gian thử việc không được tính tham gia BHXH.

5. Tiền lương thử việc

Theo quy định tại Điều 26 BLLĐ 2019 thì tiền lương của NLĐ trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

6. Kết thúc thời gian thử việc

Theo Điều 27 BLLĐ 2019 quy định khi kết thúc thời gian thử việc, NSDLĐ phải thông báo kết quả thử việc cho NLĐ.

Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì NSDLĐ tiếp tục thực hiện HĐLĐ đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong HĐLĐ hoặc phải giao kết HĐLĐ đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc. Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt HĐLĐ đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

Lưu ý: Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc HĐLĐ đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.

Trên đây là 06 điểm lưu ý về chế độ thử việc từ 01/01/2021 mà NLĐ phải biết để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

Lê Vy

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3199 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;