Cách tính thời gian làm việc để trả trợ cấp thôi việc cho người lao động

Ngày 14/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Trong đó, Nghị định này đã quy định chi tiết cách tính thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc cho người lao động.

thời gian làm việc để trả trợ cấp thôi việc, Nghị định 145/2020/NĐ-CP

Cách tính thời gian làm việc để trả trợ cấp thôi việc cho người lao động (Ảnh minh họa)

Căn cứ Điều 46 Bộ Luật lao động 2019 và Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP việc trả trợ cấp thôi việc cho người lao động được hướng dẫn như sau:

1. Điều kiện để người lao động được nhận trợ cấp thôi việc

Người lao động được trả trợ cấp thôi việc khi đáp ứng các điều kiện:

- Chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ Luật lao động.

 - Đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên.

- Không thuộc các trường hợp sau:

  • Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội;

  • Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động, Trường hợp được coi là có lý do chính đáng theo quy định tại khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động.

Người lao động nếu nghỉ việc mà đáp ứng các điều kiện nêu trên thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.

2. Cách tính thời gian làm việc để trả trợ cấp thôi việc cho người lao động

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đi làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Công thức:

Thời gian TCTV = ∑ Thời gian LVTT – (Thời gian BHTN + Thời gian TCTV + MVL)

 Trong đó:

- Thời gian LVTT: Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc; thời gian thử việc; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật và được người sử dụng lao động trả lương; thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 111, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114, khoản 1 Điều 115; thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 176 và thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 128 Bộ luật Lao động 2019;

Lưu ý: Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trong một số trường hợp đặc biệt.

- Thời gian BHTN: Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được người sử dụng lao động chi trả cùng với tiền lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp.

- Thời gian TCTV + MVL: Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẽ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm, trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc được hướng dẫn tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc, mất việc làm.

Trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau theo quy định tại khoản 2 Điều 20 của Bộ luật Lao động thì tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng.

Trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng bị tuyên bố vô hiệu vì có nội dung tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể thì tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương chỉ trong thỏa ước lao động tập thể.

Kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc đối với người lao động được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc kinh phí hoạt động của người sử dụng lao động.

Thùy Trâm

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
660 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;