Cách tính trợ cấp thai sản mới nhất cho người lao động

Trợ cấp thai sản là chính sách quan trọng mà lao động nữ rất quan tâm. Vậy mức hưởng trợ cấp thai sản theo quy định mới nhất được tính như thế nào?

trợ cấp thai sản, Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Cách tính trợ cấp thai sản mới nhất cho người lao động (Ảnh minh họa)

Theo quy định pháp luật hiện hành, lao động nữ sinh con có đóng BHXH, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật BHXH sẽ được hưởng các khoản trợ cấp sau đây:

1. Trợ cấp một lần khi sinh con

Một trong những khoản trợ cấp thai sản lao động nữ được nhận khi sinh con là trợ cấp một lần khi sinh con. Theo quy định tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Mức hưởng trợ cấp một lần:

Trợ cấp một lần = Mức lương cơ sở  x  2

Theo đó, mức lương cơ sở hiện tại đang được áp dụng là 1.490.000 đồng.

Như vậy, ở thời điểm hiện tại lao động nữ sinh con sẽ được hưởng mức trợ cấp một lần là 1.490.000 x 2 = 2.980.000 đồng.

Về mức lương cơ sở, tại Nghị quyết 86/2019/QH14 Quốc hội đã chỉ đạo Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, thời điểm thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2020.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lịch trình tăng lương cơ sở bị lùi lại. Hiện nay vẫn chưa có quyết định chính xác về thời điểm tăng lương cơ sở nên mức lương cơ sở hiện hành đang áp dụng vẫn là 1.490.000 đồng.

2. Trợ cấp nghỉ thai sản

Trợ cấp thai sản là chế độ bảo đảm vật chất cho người lao động nữ bù đắp vào khoản thu nhập bị mất trong thời gian có thai và sinh con. Theo đó, trong khoản thời gian nghỉ thai sản lao động nữ sẽ được nhận mức hưởng trợ cấp thai sản:

Trợ cấp nghỉ thai sản =

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc

X                 100%

Trong đó, 

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc. Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì được cộng dồn.

Trường hợp lao động nữ đi làm cho đến thời điểm sinh con mà tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc, bao gồm cả tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Ví dụ minh họa:

Chị C sinh con vào ngày 16/3/2016, có quá trình đóng bảo hiểm xã hội như sau:

- Từ tháng 10/2015 đến tháng 01/2016 (4 tháng) đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 5.000.000 đồng/tháng;

- Từ tháng 02/2016 đến tháng 3/2016 (2 tháng) đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 6.500.000 đồng/tháng.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của chị C được tính như sau:

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc

=

[(5.000.000 x 4) + (6.500.000 x 2)] : 6

= 5.500.000

Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị C là 5.500.000 đồng/tháng.

Chị C sẽ nhận 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc tức được nhận 5.500.000 đồng/tháng.

3. Tiền dưỡng sức sau sinh

Theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì lao động nữ sinh con được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.

Bên cạnh thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ, lao động nữ còn được một khoản trợ cấp gọi là tiền dưỡng sức sau sinh.

Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Mức hưởng = 30% x Mức lương cơ sở

Trong đó, mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng.

=> Mức hưởng trợ cấp sau sinh là 447.000 đồng.

Như vậy, lao động nữ khi mang thai và sinh con sẽ được hưởng 3 khoản trợ cấp thai sản nêu trên. Lao động nữ thuộc đối tượng được hưởng cần lưu ý quy định này để được hỗ trợ đầy đủ và kịp thời.

Thùy Trâm

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1503 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;