Lương cơ sở 2021 không tăng, các khoản trợ cấp của NLĐ bị ảnh hưởng thế nào?

Lương cơ sở là căn cứ để tính mức hưởng một số khoản trợ cấp về BHXH cho người lao động. Với việc lương cơ sở 2021 không tăng, các khoản trợ cấp của NLĐ bị ảnh hưởng thế nào?

Lương cơ sở 2021, Luật Bảo hiểm xã hội 2014

Lương cơ sở 2021 không tăng, các khoản trợ cấp của NLĐ bị ảnh hưởng thế nào? (Ảnh minh họa)

Trước đó, tại Nghị quyết  86/2019/QH14, Quốc hội đã giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2020.

Tuy nhiên sau đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tại Kết luận 77-KL/TW ngày 05/6/2020 và Nghị quyết 122/2020/QH14 ngày 19/6/2020, Bộ Chính trị và Quốc hội đã thống nhất chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ ngày 01/07/2020 cho đến khi có thông báo mới. Và mới đây nhất, tại khoản 7 Điều 3 Nghị quyết 128/2020/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Quốc Hội cũng đã thống nhất trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, chuẩn nghèo.

Do đó, mức lương cơ sở 2021 của cán bộ, công chức, viên chức sẽ vẫn giữ nguyên 1,49 triệu đồng/tháng cho đến khi có thông báo mới. Và với việc lương cơ sở 2021 không tăng sẽ dẫn đến một số khoản trợ cấp về BHXH cho người lao động vẫn sẽ giữ nguyên như hiện nay, cụ thể:

1. Trợ cấp một lần khi sinh con, trợ cấp dưỡng sức sau sinh, trợ cấp lao động nam có vợ sinh con

Theo quy định tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con. Đồng thời, trợ cấp dưỡng sức sau sinh cho lao động nữ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày sẽ bằng 30% mức lương cơ sở.

Theo đó, nếu lương cơ sở 2021 tăng lên 1.600.000 đồng thì:

  • Trợ cấp một lần khi sinh con: 1.600.000 đồng x 2 = 3.200.000 đồng;

  • Trợ cấp dưỡng sức sau sinh: 1.600.000 đồng x 30% = 480.000 đồng;

  • Trợ cấp lao động nam có vợ sinh con: 1.600.000 đồng x 2 = 3.200.000 đồng.

Tuy nhiên, do lương cơ sở 2021 không tăng mà vẫn giữ mức 1.490.000 đồng như hiện tại nên các khoản trợ cấp này vẫn giữ nguyên với mức:

  • Trợ cấp một lần khi sinh con: 1.490.000 đồng x 2 = 2.980.000 đồng;

  • Trợ cấp dưỡng sức sau sinh: 1.490.000 đồng x 30% = 447.000 đồng;

  • Trợ cấp lao động nam có vợ sinh con: 1.490.000 đồng x 2 = 2.980.000 đồng.

Như vậy, mức lương cơ sở là căn cứ để tính trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp dưỡng sức sau sinh, trợ cấp lao động nam có vợ sinh con. Việc không tăng lương cơ sở 2021 sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến khoản tiền trợ cấp người lao động được nhận.

2. Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau

Tại Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Với việc lương cơ sở 2021 không tăng lên 1.600.000 đồng/tháng mà vẫn giữ 1.490.000 đồng/tháng dẫn đến mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau là 1.490.000 đồng x 30% = 447.000 đồng.

Có thể thấy, mức trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau của người lao động cũng được tính trên mức lương cơ sở, vì vậy việc lương cơ sở 2021 không tăng cũng sẽ dẫn đến mức trợ cấp này sẽ không thay đổi.

3. Trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Người lao động bị tai nạn lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động:

  • Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

  • Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

  • Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

Bên cạnh đó, người lao động bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên sẽ được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp.

Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính như sau:

** Trợ cấp một lần

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần với mức suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

Như vậy, thay vì tăng lên 1.600.000 đồng x 5 = 8.000.000 đồng nếu lương cơ sở 2021 tăng thì năm 2021 người lao động bị suy giảm khả năng lao động mức suy giảm 5% vẫn được hưởng trợ cấp với mức là 1.490.000 đồng x 5 = 7.450.000 đồng.

** Trợ cấp hằng tháng

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng với mức suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.

Theo đó, mức trợ cấp hằng tháng dành cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vào năm 2021 vẫn sẽ là 1.490.000 đồng x 30% = 447.000 đồng.

4. Trợ cấp mai táng, tiền tuất hàng tháng

- Về trợ cấp mai táng: Người lao động thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp mai táng theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người này chết. Trường hợp do Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân sẽ được hưởng trợ cấp mai táng.

Theo đó, mức trợ cấp mai táng 2021 vẫn là 1.490.000 đồng x 10 = 14.900.000 đồng.

- Về tiền tuất hàng tháng: Việc không tăng lương cơ sở 2021 còn ảnh hưởng đến trợ cấp tiền tuất hàng tháng. Bởi lẽ, mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Nếu lương cơ sở 2021 tăng lên 1.600.000 đồng/tháng thì trợ cấp tiền tuất hàng tháng sẽ tăng lên 1.600.000 đồng x 50% = 800.000 đồng cho mỗi thân nhân, tăng lên 1.600.000 đồng x 70% = 1.120.000 đồng đối với trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng. Tuy nhiên, vì lương cơ sở 2021 không tăng nên các khoản trợ cấp sẽ vẫn giữ nguyên mức 1.490.000 đồng x 50% = 745.000 đồng như hiện tại.

Có thể thấy, việc không tăng lương cơ sở 2021 sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều khoản trợ cấp mà người lao động có thể được hưởng. Về thời điểm và kế hoạch cụ thể khi nào sẽ tiến hành kế hoạch tăng lương cơ sở THƯ KÝ LUẬT sẽ cập nhật đến Qúy khách hàng và Thành viên ngay khi có thông tin chính thức.

Thùy Trâm

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1253 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;