Nhiều thay đổi về xây dựng thang lương, bảng lương từ 2021 DN cần lưu ý

Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Theo đó, từ 2021, nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương của doanh nghiệp sẽ có những thay đổi so với Bộ luật Lao động 2012.

Nhiều thay đổi về xây dựng thang lương, bảng lương từ 2021 DN cần lưu ý

Nhiều thay đổi về xây dựng thang lương, bảng lương từ 2021 DN cần lưu ý (Ảnh minh họa)

Cụ thể, theo quy định tại Điều 93 Bộ Luật lao động 2019, nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động của doanh nghiệp như sau:

  • Người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động;

  • Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức;

  • Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động;

  • Thang lương, bảng lương và mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.

Trước đây, tại Điều 93 Bộ Luật lao động 2012 được hướng dẫn bởi Chương 3 Nghị định 49/2013/NĐ-CP quy định về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động như sau:

  • Trên cơ sở các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động;

  • Khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động;

  • Khi xây dựng thang lương, bảng lương khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%.

Như vậy, theo quy định trên, có thể thấy, từ 2021 nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương của doanh nghiệp có những thay đổi so với trước đây. Cụ thể:

Thứ nhất: Doanh nghiệp khi xây dựng thang lương, bảng lương sẽ không còn xây dựng trên nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động do Chính phủ quy định.

Theo đó, Bộ Luật lao động 2019 đã bãi bỏ quy định về khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề là 5%, doanh nghiệp sẽ xây dựng thang lương, bảng lương phụ thuộc vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi.

Trước đây, pháp luật quy định khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải ít nhất 5%, nguyên tắc này đã ảnh hưởng đến chính sách lương, thang lương, bảng lương của doanh nghiệp. Đa số doanh nghiệp đều xây dựng thang lương, bảng lương theo thâm niên, người có thâm niên càng lâu thì lương càng cao, do đó dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không muốn sử dụng người lao động có nhiều thâm niên vì trả lương quá cao nên tìm cách sa thải để tuyển dụng người lao động mới.

Có thể thấy, với sự thay đổi này, doanh nghiệp có thể tăng quyền tự chủ trong việc xây dựng thang lương, bảng lương, số bậc của bảng lương, thang lương sẽ do doanh nghiệp tự quyết định và khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương sẽ căn cứ vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Đồng thời, khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương  phải đảm bảo khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ và tích lũy kinh nghiệm của bản thân.

Thứ hai: Doanh nghiệp sẽ không gửi thang lương, bảng lương cho Phòng Lao động Thương binh và Xã hội nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo quy định mới, khi xây dựng thang lương, bảng lương doanh nghiệp không cần xây dựng trên nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động do Chính phủ quy định. Do đó, Bộ Luật lao động 2019 cũng bãi bỏ quy định về việc gửi thang lương, bảng lương cho cơ quan nhà nước về lao động cấp huyện (Phòng LĐTBXH) nơi doanh nghiệp đặt trụ sở sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể hóa quy định này, mới đây nhất, ngày 17/3/2021, Bộ Lao động Thương binh và xã hội đã ban hành Quyết định 338/QĐ-LĐTBXH công bố các thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ trong lĩnh vực lao động, tiền lương thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, theo đó đã bãi bỏ 02 thủ tục hành chính sau:

(1) Thủ tục gửi thỏa ước lao động tập thể cấp doanh nghiệp cho Sở Lao động – thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố;

(2) Thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động của doanh nghiệp cho Phòng Lao động – thương binh và Xã hội cấp huyện.

Thứ ba: Định mức lao động phải được áp dụng thử trước khi ban hành

Theo đó, mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức. Có nghĩa là, khi xây dựng xây dựng định mức lao động, doanh nghiệp phải áp dụng thử trước khi ban hành chính thức, đồng thời phải phù hợp với số đông người lao động.

Trên đây là những thay đổi trong việc xây dựng thang lương, bảng lương của doanh nghiệp từ năm 2021 so với quy định trước đây. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp Quý khách hàng và Thành viên hiểu rõ hơn về  nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương từ năm 2021.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
7806 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;