Những điều không phải ai cũng biết về thưởng tết

Mỗi năm, gần dịp tết, các doanh nghiệp sẽ tiến hành chi thưởng tết cho người lao động qua một năm làm việc. Dưới đây là những điều không phải ai cũng biết về thưởng tết.

thưởng tết, Bộ luật Lao động 2019

Những điều không phải ai cũng biết về thưởng tết (Ảnh minh họa)

1. Doanh nghiệp không bắt buộc thưởng tết cho nhân viên

Theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà NSDLĐ thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Thực trạng năm 2020 cho thấy nhiều doanh nghiệp phải phá sản, tạm ngừng kinh doanh hoặc cắt giảm nhân sự do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch viêm phổi Covid-19. Do đó, quy chế thưởng tết năm nay cũng tất yếu sẽ ảnh hưởng. Thực tế, việc doanh nghiệp có thưởng tết hay không đều do doanh nghiệp quyết định, dựa vào hiệu quả kinh doanh của công ty cũng như mức độ hoàn thành công việc của người lao động. 

Do đó, pháp luật cũng quy định doanh nghiệp không bắt buộc phải thưởng tết cho người lao động trong mọi trường hợp. Người lao động sẽ được thưởng tết nếu có thỏa thuận trong hợp đồng lao động, theo quy chế nội bộ doanh nghiệp về thưởng tết, thỏa ước lao động tập thể và phụ thuộc phần lớn vào doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp và năng suất, hiệu quả công việc của người lao động.

2. Tiền thưởng tết có phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp không?

Tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 6 của Thông tư 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC) quy định các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm các khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

Như vậy, trường hợp tiền thưởng tết cho người lao động được quy định cụ thể về điều kiện và mức hưởng ngay trong hợp đồng lao động, thảo ước lao động tập thể, quy chế tài chính,… thì sẽ được trừ khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trường hợp tiền thưởng tết cho người lao động không được quy định cụ thể trong các văn bản trên thì phải được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

3. Tiền thưởng tết có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không?

Tại điểm e khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán đều phải chịu thuế thu nhập cá nhân, trừ các khoản tiền thưởng kèm theo giấy khen, bằng khen, huy chương, giải thưởng được Nhà nước phong tặng.

Đồng thời, theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 quy định mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm), đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, người lao động được thưởng tết phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, người lao động chỉ phải nộp thuế tiền thưởng tết sau khi đã trừ khoản giảm trừ gia cảnh mà vẫn còn dương.

>>> Xem thêm: NLĐ được thưởng tết, lương tháng 13 có phải đóng thuế TNCN?

4. Tiền thưởng tết có phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không?

Tại Công văn 560/LĐTBXH-BHXH ngày 06/02/2018 quy định tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được thực hiện theo quy định tại Điều 89 Luật bảo hiểm xã hội, Điều 17 Nghị định 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội và Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH. Theo đó, từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Lưu ý: Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm: Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động; các khoản chế độ và phúc lợi khác như tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ, hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác.

Như vậy, tiền thưởng tết của người lao động làm việc tại doanh nghiệp sẽ không làm căn cứ để tính đóng bảo hiểm xã hội.

>>> Xem thêm: 03 điều NLĐ phải biết về thưởng Tết Nguyên đán 2021

Lê Vy

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2508 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;