Những thay đổi quan trọng về điều kiện cấp phép dịch vụ xuất khẩu lao động

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

điều kiện cấp phép dịch vụ xuất khẩu lao động

Những thay đổi về điều kiện cấp phép dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài (Ảnh minh họa)

Theo đó, Điều 10 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (hay còn gọi là xuất khẩu lao động) khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên; có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư

Đây là điều kiện được kế thừa theo quy định tại Điều 9 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006.

Ngoài ra, tại Điều 6 Nghị định 38/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 còn quy định về loại hình doanh nghiệp hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động phải là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

2. Đã ký quỹ theo quy định

Tại Điều 24 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định tiền ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động được gửi tại ngân hàng và chỉ được sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp dịch vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đặc biệt, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiền ký quỹ được sử dụng, doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả số tiền đã sử dụng và bảo đảm mức ký quỹ theo quy định.

Có thể thấy, đây là điều kiện được kế thừa từ Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 và Nghị định hướng dẫn. Đồng thời tại Điều 10 Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định doanh nghiệp thực hiện ký quỹ 1.000.000.000 đồng (một tỷ Việt Nam đồng) tại ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam.

Như vậy, vẫn giữ nguyên điều kiện về việc ký quỹ đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động. Về mức ký quỹ, việc quản lý, sử dụng tiền ký quỹ và trường hợp doanh nghiệp dịch vụ giải thể, bị thu hồi hoặc nộp lại Giấy phép sẽ được Chính phủ hướng dẫn sau.

3. Người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam

Đồng thời phải có trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động hoặc dịch vụ việc làm; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không có án tích về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội quảng cáo gian dối, tội lừa dối khách hàng, tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Trong khi đó, tại Điều 9 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 được hướng dẫn bởi Nghị định 38/2020/NĐ-CP không quy định về điều kiện của người đại diện theo pháp luật, chỉ quy định về điều kiện đối với người lãnh đạo, điều hành phải có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế).

Do đó, cần lưu ý đầy đủ các điều kiện về người đại diện theo pháp luật để cơ cấu tổ chức doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động theo đúng quy định của pháp luật.

4. Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ thực hiện các nội dung hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động theo quy định, cụ thể:

  • Ký kết và thực hiện hợp đồng, thỏa thuận liên quan đến việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

  • Tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ở nước ngoài; cung cấp thông tin, quảng cáo, tư vấn về cơ hội việc làm ở nước ngoài;

  • Chuẩn bị nguồn lao động và tuyển chọn người lao động;

  • Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

  • Quản lý người lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

  • Thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

  • Thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;

  • Hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước.

Trong khi đó, tại Điều 9 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 chỉ quy định chung doanh nghiệp phải có bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trường hợp doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động xuất khẩu lao động thì phải có phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Như vậy, Luật mới quy định cụ thể hơn về việc doanh nghiệp phải bảo đảm được nhân sự để thực hiện đầy đủ các nội dung hoạt động dịch vụ của mình và không yêu cầu phải phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động xuất khẩu lao động đối với doanh nghiệp lần đầu tham gia hoạt động xuất khẩu lao động nữa.

5. Có cơ sở vật chất của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định để đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam xuất khẩu lao động

Tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 không quy định về điều kiện này, tuy nhiên tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động thuộc sở hữu của doanh nghiệp dịch vụ hoặc được doanh nghiệp dịch vụ thuê ổn định theo hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật và phải đáp ứng điều kiện tối thiểu sau:

  • Có đủ phòng học và phòng ở cho 100 lao động tại một thời điểm;

  • Diện tích phòng học trung bình 1,4 m2/học viên và phòng ở trung bình 3,5 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản bảo đảm phục vụ học tập và sinh hoạt nội trú.

Như vậy, tại Luật mới đã quy định điều kiện về cơ sở vật chất ngay trong điều kiện cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động. Chi tiết về điều kiện này sẽ được Chính phủ quy định sau.

6. Có trang thông tin điện tử

Đây là điều kiện mới hoàn toàn được ghi nhận lần đầu tiên trong Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020.

Lê Vy

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
689 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;