NLĐ cần biết 10 điểm mới về lương, thưởng kể từ ngày BLLĐ 2019 có hiệu lực

Bộ Luật lao động 2019 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Theo đó, có 10 điểm mới về lương, thưởng mà NLĐ cần lưu ý.

điểm mới về lương, thưởng, Bộ Luật lao động 2019

NLĐ cần biết 10 điểm mới về lương, thưởng kể từ ngày Bộ Luật lao động 2019 có hiệu lực (Ảnh minh họa)

1. Không bị ép chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động (khoản 2 Điều 94 Bộ Luật lao động 2019)

Theo đó, nguyên tắc trả lương cho người lao động được Bộ Luật lao động 2019 quy định như sau:

- Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

- Người sử dụng lao động không được:

  • Hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động;

  • Không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

Như vậy, Bộ Luật lao động 2019 đã quy định rất rõ ràng việc người sử dụng lao động không được phép hạn chế, can thiệp vào việc chi tiêu lương hay ép người lao động phải mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của mình. Đồng thời, Bộ Luật lao động 2019 còn cho phép người lao động được ủy quyền nhận lương.

2. Được thông báo bảng kê trả lương mỗi lần trả lương (khoản 3 Điều 95 Bộ Luật lao động 2019)

Đây là nội dung mới được quy định tại Bộ Luật lao động 2019, cụ thể:

- Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.

- Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ.

- Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).

Trước đây, Bộ Luật lao động 2012 không quy định người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động mỗi lần trả lương. Tuy nhiên, theo quy định tại Bộ Luật lao động 2019 thì từ 01/01/2020 mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động.

3. Phí mở tài khoản để trả lương cho người lao động sẽ do người sử dụng lao động chi trả (khoản 2 Điều 96 Bộ Luật lao động 2019)

Nếu như Bộ Luật lao động 2012 quy định trường hợp trả lương qua tài khoản ngân hàng thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản, Bộ Luật lao động 2019 xác định các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương sẽ do người sử dụng lao động chi trả. Cụ thể:

- Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.

- Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.

4. Chậm trả lương từ 15 ngày trở lên người lao động được trả tiền lãi cho số tiền trả chậm (khoản 4 Điều 97 Bộ Luật lao động 2019)

Bộ Luật lao động 2019 quy định trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì có thể trả chậm nhưng không được chậm quá 30 ngày.

Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Như vậy, Bộ Luật lao động 2019 đã quy định cụ thể nếu chậm trả lương từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải trả lãi cho người lao động trên số tiền trả chậm đó.

5. Quy định cách trả tiền lương ngừng việc cho người lao động phải ngừng việc vì sự cố về điện, nước,... (khoản 3 Điều 99 Bộ Luật lao động 2019)

Theo đó, Bộ Luật lao động 2019 quy định nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Về vấn đề này Bộ Luật lao động 2012 quy định tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

6. Thêm trường hợp người lao động được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương (khoản 1 Điều 115 Bộ Luật lao động 2019)

Cụ thể, Bộ Luật lao động 2019 quy định người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong những trường hợp sau đây:

- Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

- Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

Như vậy, so với quy định hiện hành, Bộ Luật lao động 2019 bổ sung thêm trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết thì người lao động được nghỉ 03 ngày và hưởng nguyên lương.

Đồng thời, quy định rõ hơn trường hợp "con đẻ", "con nuôi" kết hôn thì được nghỉ 01 ngày; "con đẻ", "con nuôi" chết thì được nghỉ 03 ngày trong khi hiện hành quy định "con" thay vì quy định rõ là “con đẻ”, “con nuôi”.

7. Lễ Quốc khánh 2/9 người lao động được nghỉ 2 ngày và được hưởng nguyên lương (theo khoản 1 Điều 112 Bộ Luật lao động 2019)

Theo quy định của Bộ Luật lao động 2019, từ 2021 người lao động có tất cả 11 ngày nghỉ lễ, tết trong năm và được hưởng nguyên lương trong những ngày này. Cụ thể:

  • Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

  • Tết Âm lịch: 05 ngày;

  • Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

  • Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

  • Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

  • Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Theo đó, vào ngày Lễ Quốc khánh người lao động sẽ được nghỉ thêm 01 ngày so với quy định hiện hành và được hưởng nguyên lương trong 02 ngày này. Lịch nghỉ chi tiết sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn 1 trong 2 phương án sau:

- Phương án 1: Nghỉ vào ngày 01/9 và ngày 02/9.

- Phương án 2: Nghỉ vào ngày 02/9 và ngày 03/9.

8. Người lao động có thể nghỉ việc ngay không cần báo trước nếu không được trả lương đúng hạn (điểm b khoản 2 Điều 35 Bộ Luật lao động 2019)

Cụ thể, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước cho người sử dụng lao động nếu không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

9. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai có thể được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày và hưởng nguyên lương cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi (khoản 2 Điều 137 Bộ Luật lao động 2019)

Theo đó, Bộ Luật lao động 2019 quy định lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

10. Người lao động được thưởng tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác (Điều 104 Bộ Luật lao động 2019)

Căn cứ quy định tại Bộ Luật lao động 2019 thì thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Theo đó, người lao động có thể thưởng cho người lao động thông qua các hình thức:

  • Bằng tiền;

  • Tài sản;

  • Bằng hình thức khác.

Hiện hành, Bộ Luật lao động 2012 quy định tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Trên đây là toàn bộ 10 điểm mới về chế độ tiền lương, thưởng của người lao động sẽ chính thức được áp dụng từ 01/01/2021. Trong đó, có nhiều quy định mang tính có lợi hơn cho người lao động như xác định người sử dụng lao động sẽ chi trả toàn bộ phí mở tài khoản để trả lương cho người lao động, người lao động có thể nghỉ việc ngay không cần báo trước nếu không được trả lương đúng hạn,... Người lao động cần lưu ý để bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất.

Thùy Trâm

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1514 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;