NLĐ phá thai có được hưởng chế độ thai sản?

Hiện nay, tỷ lệ lao động nữ phá thai tại Việt Nam vẫn còn ở mức cao và gây ra không ít trở ngại cho sức khỏe của họ. Trong những trường hợp này, NLĐ cần được nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe trước khi quay trở lại làm việc. Vậy pháp luật quy định như thế nào về chế độ thai sản đối với trường hợp phá thai?

phá thai có được hưởng chế độ thai sản

NLĐ phá thai có được hưởng chế độ thai sản? (Ảnh minh họa)

1. Chế độ thai sản đối với lao động nữ phá thai

Căn cứ Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:

  • 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

  • 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

  • 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

  • 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Như vậy, người lao động nữ khi nạo, hút thai sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám chữa bênh. Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh rằng, nhiều doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động và ngay cả lao động nữ trực tiếp liên quan đến trường hợp này, hiện nay đang hiểu sai quy định trên. Nhiều người cho rằng, trong thời kỳ mang thai, lao động nữ hoặc thai nhi mắc bênh dẫn đến việc nếu giữ lại thai nhi sẽ gây nguy hại cho người mẹ hoặc thai nhi trong bụng, và vì thế bác sĩ chỉ định phải loại bỏ thai nhi đang hình thành để bảo vệ sức khỏe cho người mẹ thì người lao động mới được hưởng chế độ thai sản. Hiểu như vậy là chưa đúng với tinh thần của quy định tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hộ 2014.

Hiện nay, ngoài các biện pháp dân gian, y học hiện đại chỉ có 3 phương pháp phá thai đó là dùng thuốc, hút thai và nạo thai. Như vậy, rõ ràng theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội hiện hành, người phụ nữ khi phá thai bằng các biện pháp hút hoặc nạo thai, dù là do bệnh lý hay không do bệnh lý đều được hưởng chế độ thai sản. Quy định như vậy là để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cho lao động nữ thể hiện tính nhân văn của pháp luật Việt Nam.

2. Mức hưởng chế độ thai sản trong trường hợp hút, nạo thai

Ngoài thời gian nghỉ, lao động nữ sau khi hút, nạo thai còn được hưởng trợ cấp cho những ngày nghỉ hưởng chế độ thai sản.

Mức hưởng = (Mbq6t : 30 ngày) x 100% x Số ngày nghỉ

Trong đó, Mbq6t là mức bình quân tiền lương đóng BHXH 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thại sản.

Trường hợp người lao động đóng BHXH chưa đủ 06 tháng thì mức tiền lương bình quân được tính trên số tháng đã đóng BHXH.

3. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản trong trường hợp hút, nạo thai

Theo quy định tại tiết 2 khoản 2 Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH, hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp hút, nạo thai bao gồm:

  • Danh sách 01B-HSB do đơn vị SDLĐ lập;

  • Bản sao giấy ra viện của người lao động (trường hợp điều trị nội trú) hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (trường hợp điều trị ngoại trú).

Hồ sơ được nộp trực tiếp cho người sử dụng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm làm việc với cơ quan chức năng để thực hiện chế độ thai sản cho người lao động.

Lao động nữ và người sử dụng lao dộng cần hiểu đúng, nắm rõ chế độ thai sản đối với trường hợp lao động nữ phá thai để không bỏ qua quyền lợi mà lao động nữ đáng lẽ được hưởng theo luật định. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ sau khi trải qua giai đoạn phá thai có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe để tiếp tục làm việc, công hiến cho cơ quan, tổ chức.

Đức Thảo

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3189 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;