Từ 2021, người lao động được ủy quyền cho người khác nhận lương của mình

Chỉ còn vài ngày nữa, Bộ luật Lao động 2019 sẽ chính thức có hiệu lực. Bộ luật này có rất nhiều điểm mới ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Một trong số đó là quy định người lao động được ủy quyền cho người khác nhận lương của mình.

người lao động được ủy quyền cho người khác nhận lương, Bộ Luật lao động 2019

Quy định mới: Người lao động được ủy quyền cho người khác nhận lương của mình (Ảnh minh họa)

Cụ thể, Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc trả lương cho người lao động như sau:

Điều 94. Nguyên tắc trả lương

1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

2. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

Điểm mới đáng chú ý tại quy định này là trong trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp. Hiện hành, Điều 96 Bộ luật Lao động 2012 chỉ quy định “Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn”. Như vậy, việc ủy quyền cho người khác nhận lương là một quy định mới hoàn toàn sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2021. Mặt khác, Bộ luật Lao động 2019 không quy định điều kiện bắt buộc để được ủy quyền hay giới hạn việc ủy quyền phải cho đối tượng nào nên sắp tới lương của chồng có thể chuyển trực tiếp vào tài khoản của vợ.

Bên cạnh nguyên tắc được ủy quyền cho người khác nhận lương, tại Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định nguyên tắc khi trả lương cho người lao động thì người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động. Đồng thời, người sử dụng lao động không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của mình hoặc của đơn vị khác mà mình chỉ định.

Về nguyên tắc giải quyết quyền lợi cho người lao động bị chậm trả lương, Điều 96 Bộ luật Lao động 2012 quy định như sau:

Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

Về vấn đề này khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Căn cứ quy định này thì từ 2021 người lao động nếu bị chậm trả lương từ 15 ngày trở lên sẽ nhận được thêm một khoản tiền ngoài tiền lương được nhận. Khoản tiền này được tính ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Thùy Trâm

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1295 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;