Từ 2021, NLĐ sẽ được bảo vệ nếu bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Từ ngày 01/01/2021, khi Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực, người lao động sẽ được bổ sung nhiều quyền lợi hơn so với quy định hiện nay. Trong đó, có nhiều quy định liên quan đến quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

 quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Từ 2021, NLĐ sẽ được bảo vệ nếu bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.

Theo đó, tại khoản 3 Điều 8 Bộ luật Lao động 2019 quy định quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động. Đồng thời, đây cũng là nội dung bắt buộc phải được đề cập trong Nội quy lao động của bất kì doanh nghiệp nào theo quy định tại Điều 118.

Như vậy, từ ngày 01/01/2021, người lao động quấy rối tình dục tại nơi làm việc hoặc sếp quấy rối tình dục với nhân viên sẽ được coi là hành vi vi phạm pháp luât và bị nghiêm cấm. Vậy, hành vi nào được xem là quấy rối tình dục tại nơi làm việc?

Theo Điều 12 Dự thảo Nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận, gồm:

- Hành động, cử chỉ có tính chất tình dục;

- Ngôn ngữ, tài liệu trực quan đề cập cụ thể, miêu tả hoặc liên quan đến hoạt động tình dục;

- Đề nghị, yêu cầu, gợi ý đổi quan hệ tình dục lấy sự đánh giá ưu ái hoặc sự hứa hẹn công việc, lương, thưởng.

Lưu ý: Nơi làm việc tại quy định trên là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay những việc có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội liên quan đến công việc, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn liên quan đến công việc, hội thoại trên điện thoại liên quan đến công việc, các hoạt động giao tiếp liên quan đến công việc qua phương tiện điện tử.

Do đó, nhằm bảo vệ người lao động trong các vụ việc quấy rối tình dục tại nơi làm việc, Bộ luật Lao động 2019 đã bổ sung nhiều quy định liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của người lao động. Cụ thể:

- Theo điểm d khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

“d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;”

- Tại khoản 2 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 quy định hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:

“2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;”

Như vậy, theo quy định trên, người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ngay lập tức mà không cần phải báo trước nếu bị "sếp" quấy rồi tình dục nơi làm việc bằng các hành vi ôm, hôn, sờ mó, vuốt ve, cố tình đụng chạm, gửi hình ảnh khiêu dâm, đồi trụy hoặc gạ tình đổi lấy việc ưu ái, thăng tiến trong công việc, để hứa tăng lương,... Hoặc người lao động quấy rối tình dục đồng nghiệp tại nơi làm việc sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật lao động cao nhất là sa thải (đuổi việc).

Có thể thấy, từ năm 2021, khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thì người lao động sẽ được bảo vệ nhiều hơn trong trường hợp bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc so với trước đây. Trước đây, tại Bộ luật lao động 2012 có nhắc tới hành vi quấy rối tình dục nhưng chỉ rải rác tại một số điều khoản với tư cách là một trong những hành vi bị nghiêm cấm và là một trong những căn cứ để người lao động thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn mà chưa có một định nghĩa cụ thể về hành vi này cũng không bắt buộc nội quy lao động phải có nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Ty Na

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
585 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;