Vi phạm đặc quyền của lao động nữ, NSDLĐ có thể bị phạt đến 20 triệu đồng

Nghị định 145/2020/NĐ-CP vừa mới được ban hành đã quy định những đặc quyền của lao động nữ tại nơi làm việc. Theo đó, nếu vi phạm những quy định này, NSDLĐ có thể bị phạt đến 20 triệu đồng.

Vi phạm đặc quyền của lao động nữ, NSDLĐ có thể bị phạt đến 20 triệu đồng, Nghị định 28/2020/NĐ-CP

Vi phạm đặc quyền của lao động nữ, NSDLĐ có thể bị phạt đến 20 triệu đồng (Ảnh minh họa)

Cụ thể, 02 đặc quyền chỉ dành riêng cho lao động nữ được ghi nhận tại Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

Một là, lao động nữ được nghỉ ít nhất 30 phút/ngày khi lao động nữ gặp “đèn đỏ”. Thời gian này sẽ được tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Tổng số ngày tối thiểu mà lao động nữ được nghỉ là 03 ngày/tháng, hoặc có thể nhiều hơn nếu công ty và người lao động có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, vì thời gian hành kinh của mỗi người là khác nhau, do đó thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng sẽ do lao động nữ thông báo với NSDLĐ.

Nếu lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được NSDLĐ đồng ý để họ làm việc thì sẽ được trả thêm tiền lương theo công việc đã làm trong khoảng thời gian đáng lí được nghỉ. Thời gian này sẽ không tính vào thời giờ làm thêm theo theo Điều 107 Bộ luật Lao động 2019. Đây là một quy định mới so với Nghị định 85/2015/NĐ-CP

Trong trường hợp NSDLĐ không tạo điều kiện cho lao động nữ thực hiện quyền của mình thì sẽ bị phạt tiền theo khoản 1 Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ-CP:

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của lao động nữ;

b) Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh.

Hai là, lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ngày. Đây là khoảng thời gian để lao động nữ cho con bú, vắt, trữ sữa hoặc nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Nếu lao động nữ vẫn muốn tiếp tục làm, không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý thì sẽ được trả thêm tiền lương theo công việc tương xứng với thời gian đã làm trên thực tế.

Đây là đặc quyền của lao động nữ, do đó nếu vi phạm quy định này thì NSDLĐ sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng theo điểm c khoản 2 Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

Ngoài 02 đặc quyền này thì lao động nữ vẫn được pháp luật bảo vệ tuyệt đối. Đối với trường hợp có hành vi vi phạm sau đây, NSDLĐ cũng sẽ bị phạt với số tiền tương tự:

- Sử dụng lao động nữ làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa khi đang mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

- Không thực hiện việc chuyển công việc hoặc giảm giờ làm đối với lao động nữ mang thai từ tháng thứ 07 đang làm công việc nặng nhọc theo quy định tại khoản 2 Điều 155 của Bộ luật Lao động.

- Không bảo đảm việc làm cũ khi lao động nữ trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 157 của Bộ luật Lao động trừ trường hợp việc làm cũ không còn.

- Xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

- Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Sử dụng lao động nữ làm công việc không được sử dụng lao động nữ theo quy định tại Điều 160 của Bộ luật Lao động.

Hai biện pháp khắc phục hậu quả khi đã có hành vi vi phạm quy định về lao động nữ là NSDLĐ buộc phải trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động đối với hành vi vi phạm 02 đặc quyền của lao động nữ, và buộc nhận lại người lao động trở lại làm việc khi sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Đây là một quy định mới so với Nghị định 95/2013/NĐ-CP trước đây.

Như vậy, từ ngày 01/02/2021 khi Nghị định 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực, nếu NSDLĐ không đảm bảo thời gian nghỉ ngơi cho lao động nữ theo 02 đặc quyền trên thì sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng. Do đó, NSDLĐ và lao động nữ cần nắm rõ những quy định này để thực hiện tốt nghĩa vụ và bảo đảm quyền lợi cho chính mình tại nơi làm việc.

Phương Thanh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1318 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;