Những nội dung cơ bản của Luật Cơ yếu

Ngày 7-12-2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký lệnh số 14/2011/L-CTN công bố Luật Cơ yếu đã được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 26-11-2011. Luật này có năm chương với 38 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2012.

Đây là một đạo luật chuyên ngành, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, được xây dựng trên cơ sở kế thừa những quy định của pháp luật về cơ yếu hiện hành và những vấn đề thực tiễn đặt ra. Luật Cơ yếu 2011 quy định về hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia sử dụng nghiệp vụ mật mã, kỹ thuật mật mã và các giải pháp có liên quan để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của lực lượng cơ yếu; chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cơ yếu.

Kế thừa quy định về cơ chế, nguyên tắc hoạt động từ trước đến nay và phù hợp với Điều 116 của Hiến pháp 1992: "Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực, ngành mình phụ trách trong phạm vi cả nước...". Vì vậy, trách nhiệm quản lý nhà nước về cơ yếu, Luật quy định Bộ trưởng Quốc phòng trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về cơ yếu; trực tiếp chỉ đạo hoạt động của Ban Cơ yếu Chính phủ.

Luật xác định rõ Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia, cơ quan quản lý chuyên ngành về cơ yếu đối với các hệ thống tổ chức cơ yếu Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Ngoại giao, tổ chức cơ yếu trong cơ quan Đảng, Nhà nước ở trung ương và địa phương, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về cơ yếu.

Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của lực lượng cơ yếu, Luật đã xác định, lực lượng cơ yếu là một trong những lực lượng chuyên trách bảo vệ bí mật nhà nước. Lực lượng cơ yếu có chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác cơ yếu và thực hiện hoạt động cơ yếu; góp phần bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống; chủ động phòng ngừa, tham gia đấu tranh với các hoạt động thám mã gây phương hại đến an ninh quốc gia, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tổ chức của lực lượng cơ yếu gồm: Ban Cơ yếu Chính phủ; Cơ yếu các bộ, ngành (bao gồm: Hệ thống tổ chức cơ yếu Quân đội nhân dân; Công an nhân dân; Ngoại giao và Hệ thống tổ chức cơ yếu trong cơ quan của Đảng, cơ quan khác của Nhà nước ở trung ương và địa phương).

Theo quy định, tổ chức cơ yếu thuộc các bộ, ngành là đầu mối độc lập đặt dưới sự lãnh đạo của cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng cơ yếu và sự quản lý về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức cơ yếu cấp trên.

Để phù hợp tính chất đặc thù về tổ chức và tính chất công việc, bảo đảm thực hiện chế độ công tác nghiêm ngặt, thống nhất, chặt chẽ và các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với từng đối tượng trong tổ chức cơ yếu, luật quy định, người làm việc trong tổ chức bao gồm ba đối tượng. Đó là, người làm công tác cơ yếu là những người được điều động, biệt phái, bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ của lực lượng cơ yếu; người được tuyển chọn để đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ cơ yếu; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.

Trên cơ sở đó, Luật Cơ yếu 2011 quy định chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu tại Điều 31; chế độ, chính sách đối với người được tuyển chọn để đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ cơ yếu tại Điều 32; chế độ, chính sách đối với người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu tại Điều 33. Luật quy định người làm việc trong tổ chức cơ yếu được hưởng các chế độ, chính sách như lực lượng vũ trang (như quân đội nhân dân), các chế độ, chính sách đặc thù của ngành cơ yếu và chế độ phụ cấp trách nhiệm bảo vệ cơ mật mật mã do Chính phủ quy định.

Nguồn: Hoàng Long - Báo Mới

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
726 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;