08 quyền lợi mà lao động nữ mang thai cần biết từ ngày 01/01/2021

Pháp luật quy định rất cụ thể về những quyền lợi dành riêng cho lao động nữ đang mang thai và có con nhỏ. Theo đó, để đảm bảo được quyền lợi chính đáng cho bản thân lao động nữ mang thai cần biết 08 quyền lợi sau đây.

 Lao động nữ mang thai

08 quyền lợi mà lao động nữ mang thai cần biết từ ngày 01/01/2021 (Ảnh minh họa)

Theo quy định của Bộ Luật lao động 2019 (sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) và Luật bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ mang thai được hưởng các quyền lợi như sau:

1. Lao động nữ mang thai được tạm hoãn hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ

Theo quy định tại khoản 2 Điều 35 và Điều 138 Bộ Luật lao động 2019, lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc tạm hoãn thực hiện HĐLĐ. 

Lưu ý: Trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc tạm hoãn thực hiện HĐLĐ thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Thời gian tạm hoãn do hai bên thảo thuận nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ.

2. Doanh nghiệp không được sử dụng lao động nữ mang thai làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa

Theo khoản 1 Điều 137 Bộ Luật lao động 2019 quy định, người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp lao động nữ mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Đồng thời, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nêu sử dụng lao động nữ mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa. (căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ-CP)

3. Lao động nữ mang thai chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày

Theo khoản 2 Điều 137 Bộ Luật lao động 2019, lao động nữ mang thai làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Đồng thời, nếu lao động nữ mang thai đã thông báo những doanh nghiệp không thực hiện việc chuyển công việc hoặc giảm giờ làm đối với lao động nữ mang thai thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. (căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ-CP)

4. Doanh nghiệp không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ mang thai

Theo khoản 3 Điều 37 và khoản 3 Điều 137 Bộ Luật lao động 2019 quy định doanh nghiệp không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động nữ mang thai.

Như vậy, khi doanh nghiệp có hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp lao động nữ mang thai thì đó là hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Do đó, doanh nghiệp sễ bị xử phạt như sau:

  • Phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

  • Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ mang thai.

  • Bị xử lý vi phạm hành chính khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.

5. Trong thời gian lao động nữ mang thai, trường hợp HĐLĐ hết hạn thì được ưu tiên giao kết HĐLĐ mới

Tại khoản 3 Điều 137 Bộ Luật lao động 2019 quy định trường hợp HĐLĐ hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết HĐLĐ mới.

6. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ mang thai

Theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 122 Bộ Luật lao động 2019, không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động nữ mang thai.

Đồng thời, doanh nghiệp xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ mang thai sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000. (căn cứ theo điểm đ khoản 2 Điều 27 Nghị định 28/2020/NĐ-CP)

7. Lao động nữ mang thai sau khi sinh có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ thai sản

Căn cứ theo khoản 1 Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ mang thai sau khi sinh có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ thai sản khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng, đồng thời phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.

8. Lao động nữ mang thai được hưởng nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản

Theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ mang thai ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.

Ty Na

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3615 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;