08 tình tiết định tội đối với tội tham nhũng, chức vụ trong BLHS 2015

Ngày 03/08/2020, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng quy định Bộ luật Hình sự xét xử vụ án tham nhũng chức vụ.

08 tình tiết định tội đối với tội tham nhũng, chức vụ trong BLHS 2015, Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn về tội phạm tham nhũng, chức vụ

08 tình tiết định tội đối với tội tham nhũng, chức vụ trong BLHS 2015 (Hình minh họa)

Theo đó, tại Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn một số tình tiết định tội đối với tội tham nhũng, chức vụ trong BLHS 2015 như sau:

Một là, đã bị xử lý kỷ luật quy định tại khoản 1 Điều 353, điểm a khoản 1 Điều 354 và điểm a khoản 1 Điều 355 của Bộ luật Hình sự là trường hợp trước đó một người đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ,  quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo quy định của pháp luật, điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, nhưng trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực mà lại thực hiện hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp người có một hành vi vi phạm đã bị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý kỷ luật trước khi cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, xử lý hình sự thì khi xét xử, Tòa án không được xác định trường hợp này là tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm” theo các điều khoản tương ứng của Bộ luật Hình sự.

Hai là, đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự 2015 chưa được xóa án tích mà còn vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 353, điểm a khoản 1 Điều 354, điểm b khoản 1 Điều 355 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội đã bị kết án về một trong các tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, lạm quyền trong thi hành công vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và giả mạo trong công tác, chưa được xoá án tích mà lại thực hiện một trong những hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Khi áp dụng tình tiết “đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, cần phân biệt:

  • Trường hợp tiền án của bị cáo đã được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự 2015 chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì tiền án đó không được tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo.

  • Trường hợp tiền án của bị cáo không được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự 2015 chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” vì hành vi phạm tội của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tiền án của bị cáo phải tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Ba là, lợi ích vật chất khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 354, điểm a khoản 1 Điều 358 của Bộ luật Hình sự là những lợi ích được định giá cụ thể, phục vụ nhu cầu cuộc sống của con người (ví dụ: nhà cửa, phương tiện, công cụ, thiết bị, chi phí phục vụ nhu cầu con người…) mà người phạm tội có được hoặc sử dụng.

Bốn là, lợi ích phi vật chất quy định tại điểm b khoản 1 Điều 354 của Bộ luật Hình sự là những lợi ích không phải lợi ích vật chất (ví dụ: các danh hiệu, giải thưởng của Nhà nước, cơ quan, tổ chức; tạo điều kiện để người thân đi du học, tham quan; được quan hệ tình dục; được bầu, bổ nhiệm chức vụ; được nâng điểm thi; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài…) mà người phạm tội có được hoặc sử dụng. 

Năm là, lạm dụng chức vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều 355 là sử dụng vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao.

Sáu là, lợi dụng chức vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều 358 là dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái hoặc làm không đúng quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao.

Bảy là, vụ lợi quy định tại khoản 1 các điều 356, 357 và 359 là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.

Tám là, thiệt hại do hành vi phạm tội tham nhũng, chức vụ gây ra quy định tại các điều 353, 354, 355 và 358 của Bộ luật Hình sự là những thiệt hại thực tế do hành vi phạm tội gây ra, không bao gồm số tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác mà người phạm tội đã hoặc sẽ chiếm đoạt.

Ví dụ: Nguyễn Văn A (là Thủ kho của Công ty B) có hành vi tham ô số thuốc phòng dịch trị giá 200.000.000 đồng làm toàn bộ số gia cầm trị giá 1.000.000.000 đồng của Công ty B bị chết do không có thuốc phòng dịch. Trong trường hợp này, phải xác định số tiền A chiếm đoạt là 200.000.000 đồng và thiệt hại thực tế do hành vi phạm tội của A là 1.000.000.000 đồng.

Chi tiết xem tại Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng quy định Bộ luật Hình sự xét xử vụ án tham nhũng chức vụ.

Lê Hải

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1208 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;