5 điểm mới quan trọng tại Dự thảo BLLĐ sửa đổi người lao động nên biết

Hiện tại, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang đưa ra lấy ý kiến đối với Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi với nhiều quy định đáng chú ý, nổi bật là một số nội dung sau đây.

1. Người lao động được nghỉ việc không cần báo trước

Nếu người lao động thuộc vào một trong các trường hợp sau đây thì được nghỉ việc không cần báo trước:

- Người lao động không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được đảm bảo điều kiện làm việc theo thỏa thuận;

- Người lao động không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn như đã thống nhất giữa các bên;

- Người lao động bị ngược đãi, quấy rối tình dục hoặc cưỡng bức lao động;

- Lao động nữ mang thai nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

2. Tăng độ tuổi nghỉ hưu

Tại Dự thảo có nêu rõ quy định về độ tuổi nghỉ hưu có thể được thực hiện theo một trong hai phương án sau:

- Phương án 1: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

- Phương án 2: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 04 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 06 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

3. Hợp đồng lao động dưới một tháng được giao kết bằng miệng

Theo quy định hiện hành tại Bộ luật Lao động 2012 thì các bên có thể giao kết bằng lời nói đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng.

Tuy nhiên, Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi có quy định rằng người sử dụng lao động và người lao động có thể giao kết bằng lời nói đối với hợp đồng lao động dưới 1 tháng trừ các trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 146, Khoản 1 Điều 163 của Bộ luật Lao động 2012.

4. Đề xuất thêm một ngày nghỉ lễ là ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7

Nhiều ý kiến được đưa ra và lựa chọn ngày kỉ niệm Thương binh Liệt sỹ (ngày 27/7 dương lịch) là một trong những ngày nghỉ lễ của Việt Nam. Theo đó, người lao động được nghỉ làm việc vào ngày này và vẫn được hưởng nguyên lương.

5. Có thể không nghỉ bù nếu ngày Tết trùng với ngày nghỉ hàng tuần

Bộ luật Lao động 2012 quy định nếu các ngày nghỉ lễ trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp, nhưng Dự thảo lần này đã đưa ra hai phương án quy định đối với ngày nghỉ Tết như sau:

- Phương án 1: Giữ nguyên như hiện hành, người lao động được nghỉ bù;

- Phương án 2: Người lao động được nghỉ 05 ngày Tết Âm lịch, nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù.

Duy Thịnh

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1533 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;