6 điều giáo viên cần biết trước khi học nâng chuẩn trình độ đào tạo

Theo dự kiến, sắp tới đây, hàng loạt giáo viên mầm non, tiểu học, THCS sẽ phải học nâng chuẩn để đảm bảo chuẩn trình độ đào tạo được quy định tại Luật Giáo dục 2019. Theo đó, trước khi tham gia học nâng chuẩn theo lộ trình, có 6 điều sau đây giáo viên các cấp cần phải lưu ý.

nâng chuẩn trình độ đào tạo

6 điều giáo viên cần biết trước khi học nâng chuẩn trình độ đào tạo - Ảnh minh họa

Tiêu chuẩn đào tạo đối với giáo viên các cấp từ ngày 01/7/2020

Theo quy định của Điều 72 Luật Giáo dục 2019, từ ngày 01/7/2020, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đã được nâng lên so với Luật Giáo dục 2005, cụ thể như sau:

- Đối với giáo viên mầm non: Phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên. (Quy định hiện hành chỉ yêu cầu có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm).

- Đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông: Phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. (Quy định hiện hành yêu cầu bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với giáo viên tiểu học; bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở).

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

04 đối tượng phải thực hiện nâng chuẩn đào tạo trong giáo dục

Nghị định 71/2020/NĐ-CP Quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở mới được ban hành ngày 30/6/2020 quy định chi tiết 04 đối tượng phải thực hiện việc nâng chuẩn, cụ thể gồm:

- Giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên tính từ 01/7/2020 còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

- Giáo viên dạy cấp học tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên tính từ 01/7/2020 còn đủ 8 năm công tác (96 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định đối với giáo viên có trình độ trung cấp.

- Giáo viên dạy cấp học tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên tính từ 01/7/2020 còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định đối với giáo viên có trình độ cao đẳng.

- Giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ 01/7/2020 còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Lộ trình nâng chuẩn dự kiến đối với giáo viên các cấp

Theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP, lộ trình chung thực hiện nâng chuẩn là từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 31 ngày 12 tháng 2030, trong đó, lộ trình nâng chuẩn đối với từng đối tượng và chỉ tiêu đối với các đối tượng cụ thể như sau:

- Đối với giáo viên mầm non, lộ trình được thực hiện thành hai giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: Từ 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên mầm non đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm;

+ Giai đoạn 2: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên mầm non hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.

- Đối với giáo viên tiểu học, lộ trình được thực hiện thành hai giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: Từ 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, bảo đảm đạt ít nhất 50% số giáo viên tiểu học đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân;

+ Giai đoạn 2: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên tiểu học hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.

- Đối với giáo viên trung học cơ, lộ trình được thực hiện thành hai giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: Từ 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên trung học cơ sở đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân;

+ Giai đoạn 2: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên trung học cơ sở hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.

Như vậy, theo lộ trình này thì từ 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025 sẽ có 60% giáo viên mầm non, giáo viên trung học cơ sở và 50% giáo viên tiểu học đạt chuẩn trình độ mới và từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2030 thì sẽ đảm bảo 100% cả giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và giáo viên trung học cơ sở đạt chuẩn trình độ mới theo Luật Giáo dục 2019.

Giáo viên học nâng chuẩn được hỗ trợ đóng học phí, hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp

Theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP, giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn có những quyền lợi sau đây:

- Được cơ quan quản lý, sử dụng tạo điều kiện về thời gian; được hỗ trợ tiền đóng học phí (áp dụng theo quy định hiện hành của pháp luật đối với sinh viên sư phạm);

- Được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục;

- Được hưởng 100 % lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật.

Giáo viên phải cam kết giảng dạy trong thời gian ít nhất 02 lần thời gian đào tạo sau khi nâng chuẩn

Bên cạnh việc quy định các quyền mà giáo viên được hưởng khi được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn, Nghị định 71/2020/NĐ-CP cũng yêu cầu giáo viên phải có những trách nhiệm sau:

- Thực hiện các quy định về đào tạo, quy chế và quy định về thời gian đào tạo; chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo trong thời gian tham gia các hoạt động đào tạo;

- Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo;

- Trong suốt thời gian khóa học, giáo viên vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ công tác theo quy định khi không phải tham gia các hoạt động đào tạo;

- Trường hợp giáo viên không hoàn thành chương trình đào tạo theo thời gian quy định dẫn đến phải kéo dài thời gian đào tạo thì phải tự túc các khoản chi phí đào tạo phát sinh trong thời gian đào tạo kéo dài.

Như vậy, theo quy định trên có thể thấy, giáo viên khi được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn thì phải cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo.

Giáo viên học nâng chuẩn phải đền bù chi phí đào tạo trong 3 trường hợp

Cụ thể, theo Điều 11 Nghị định 71/2020/NĐ-CP, giáo viên được cử đi đào tạo bằng nguồn ngân sách Nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động trong thời gian đào tạo;

- Không được cơ sở đào tạo cấp bằng tốt nghiệp, trừ trường hợp có lí do khách quan bất khả kháng được cơ quan có thẩm quyền xác nhận;

- Đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 71/2020/NĐ-CP.

Như vậy, có thể thấy, theo quy định tại Nghị định 71/2020/NĐ-CP, giáo viên được cử đi học nâng chuẩn sẽ được miễn học phí, tuy nhiên, trong trường hợp giáo viên đó tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động trong thời gian đào tạo; không được cơ sở đào tạo cấp bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành và được cấp bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết thì sẽ phải đền bù chi phí đào tạo.

Nguyễn Trinh 

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3380 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;