Báo cáo tài chính theo Thông tư 133 và một số điều cần lưu ý

Thông tư 133/2016/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp sẽ áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/01/2017. Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều đó là hệ thống báo cáo tài chính danh cho doanh nghiệp nhỏ vừa.

 

 

 

Hệ thống báo cáo tài chính đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm:

  • Hệ thống báo cáo tài chính năm áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng giả định hoạt động liên tục;
  • Hệ thống báo cáo tài chính năm áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa không đáp ứng giả định hoạt động liên tục;
  • Hệ thống báo cáo tài chính năm bắt buộc áp dụng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ.

Hệ thống Báo cáo tài chính năm ban hành theo Thông tư 133 được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thuộc mọi lĩnh vực, 123 mọi thành phần kinh tế trong cả nước. Báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin của một doanh nghiệp về:

  • Tài sản;
  • Nợ phải trả;
  • Vốn chủ sở hữu;
  • Doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác;
  • Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng giả định hoạt động liên tục:

  • Báo cáo bắt buộc gồm: Báo cáo tình hình tài chính (Mẫu số B01a - DNN); Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Mẫu số B02 - DNN); Bản thuyết minh Báo cáo tài chính (Mẫu số B09 - DNN). Tùy theo đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý, doanh nghiệp có thể lựa chọn lập Báo cáo tình hình tài chính theo Mẫu số B01b - DNN thay cho Mẫu số B01a - DNN. Báo cáo tài chính gửi cho cơ quan thuế phải lập và gửi thêm Bảng cân đối tài khoản (Mẫu số F01 - DNN).
  • Báo cáo không bắt buộc mà khuyến khích lập: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Mẫu số B03 - DNN).

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa không đáp ứng giả định hoạt động liên tục:

  • Báo cáo bắt buộc gồm: Báo cáo tình hình tài chính (Mẫu số B01 - DNNKLT); Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Mẫu số B02 - DNN); Bản thuyết minh Báo cáo tài chính (Mẫu số B09 - DNNKLT);
  • Báo cáo không bắt buộc mà khuyến khích lập: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Mẫu số B03 - DNN).

Đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ: Báo cáo tình hình tài chính (Mẫu số B01 - DNSN); Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Mẫu số B02 - DNSN); Bản thuyết minh Báo cáo tài chính (Mẫu số B09 - DNSN).

Các doanh nghiệp phải tuân thủ biểu mẫu báo cáo tài chính khi lập báo cáo tài chính. Trong trường hợp cần thiết, các doanh nghiệp có thể sửa đổi, bổ sung báo cáo tài chính cho phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp nhưng phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện. Doanh nghiệp có thể lập thêm các báo cáo khác để phục vụ yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

 

 

Thông tin tài chính phải trình bày đầy đủ trên mọi khía cạnh trọng yếu

Khi lập báo cáo tài chính thông tin trình bày phải đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Phải đầy đủ, khách quan, không có sai sót để phản ánh trung thực, hợp lý tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp;
  • Thông tin tài chính phải thích hợp để giúp người sử dụng Báo cáo tài chính dự đoán, phân tích và đưa ra các quyết định kinh tế;
  • Thông tin tài chính phải được trình bày đầy đủ trên mọi khía cạnh trọng yếu. Thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp nếu thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu chính xác có thể làm ảnh hưởng tới quyết định của người sử dụng thông tin tài chính của đơn vị báo cáo. Tính trọng yếu dựa vào bản chất và độ lớn, hoặc cả hai, của các khoản mục có liên quan được trình bày trên báo cáo tài chính của một đơn vị cụ thể.
  • Thông tin tài chính phải đảm bảo có thể kiểm chứng, kịp thời và dễ hiểu;
  • Thông tin tài chính được trình bày nhất quán và có thể so sánh giữa các kỳ kế toán; So sánh được giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhau.
  • Các chỉ tiêu không có số liệu được miễn trình bày trên Báo cáo tài chính. Doanh nghiệp được chủ động đánh lại số thứ tự của các chỉ tiêu theo nguyên tắc liên tục trong mỗi phần.

Nộp báo cáo tài chính năm cho 3 cơ quan gồm: cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan đăng ký kinh doanh

Theo quy định thì chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải lập và gửi báo cáo tài chính năm cho các cơ quan có liên quan theo quy định. Ngoài việc lập báo cáo tài chính năm, các doanh nghiệp có thể lập báo cáo tài chính hàng tháng, quý để phục vụ yêu cầu quản lý và điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính năm cho cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan Thống kê. Đối với các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có trụ sở nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao thì ngoài việc nộp Báo cáo tài chính năm cho Cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thống kê còn phải nộp Báo cáo tài chính năm cho Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nếu được yêu cầu.

7123 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;