Lựa chọn nhà thầu trong sử dụng vốn nhà nước để mua sắm

Thông tư 58/2016/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 29/3/2016 quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

 

Thông tư 58 quy định việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm được thực hiện qua nhà thầu và nhà thầu được lựa chọn qua 07 hình thức như: Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh, tự thực hiện và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Cụ thể:

  1. Đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế thực hiện theo Luật đấu thầu 2013.

​Theo đó, đấu thầu rộng rãi là hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư mà không hạn chế số lượng nhà thầu, nhà đầu tư tham dự. Khác với đấu thầu rộng rãi thì đấu thầu hạn chế chỉ áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu.

  1. Chỉ định thầu:
  • Chỉ định thầu được thực hiện khi đủ 03 điều kiện sau:
    • Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;
    • Có thời gian thực hiện chỉ định thầu kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng không quá 45 ngày; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp không quá 90 ngày;
    • Nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu.
  • Các trường hợp được áp dụng chỉ định thầu, bao gồm:
    • Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách;
    • Gói thầu cấp bách cần triển khai nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo;
    • Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm; mua bản quyền sở hữu trí tuệ;
    • Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng được chỉ định cho tác giả của thiết kế kiến trúc công trình trúng tuyển hoặc được tuyển chọn khi tác giả có đủ điều kiện năng lực theo quy định; gói thầu thi công xây dựng tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng, tác phẩm nghệ thuật gắn với quyền tác giả từ khâu sáng tác đến thi công công trình.
    • Gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc đề án hoặc dự toán mua sắm thường xuyên có giá gói thầu không quá 100.000.000 đồng.
  1. Chào hàng cạnh tranh:
  • Các gói thầu được áp dụng chào hàng cạnh tranh phải có giá trị không quá 2 tỷ đồng và thuộc một trong các trường hợp sau:
    • Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản;
    • Gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường, có đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng.
  • Chào hàng cạnh tranh được thực hiện khi đáp ứng đủ 02 điều kiện sau:
    • Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;
    • Có văn bản phê duyệt dự toán mua sắm của cấp có thẩm quyền.
  1. Mua sắm trực tiếp:
  • Mua sắm trực tiếp được áp dụng đối với gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa tương tự.
  • Mua sắm trực tiếp được thực hiện khi đáp ứng đủ 06 điều kiện sau:
    • Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt;
    • Có văn bản phê duyệt dự toán mua sắm của cấp có thẩm quyền;
    • Nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó;
    • Gói thầu có nội dung, tính chất tương tự và quy mô nhỏ hơn 130% so với gói thầu đã ký hợp đồng trước đó;
    • Đơn giá của các phần việc thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp không được vượt đơn giá của các phần việc tương ứng thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó;
    • Thời hạn từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đó đến ngày phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp không quá 12 tháng.
  1. Tự thực hiện:
  • Áp dụng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng gói thầu có năng lực kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu.
  • Việc áp dụng hình thức tự thực hiện phải được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu và đáp ứng đủ 03 điều kiện sau:
    • Có chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động và ngành nghề kinh doanh phù hợp với yêu cầu của gói thầu;
    • Phải chứng minh và thể hiện trong phương án tự thực hiện về khả năng huy động nhân sự, máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu về tiến độ thực hiện gói thầu;
    • Đơn vị được giao thực hiện gói thầu không được chuyển nhượng khối lượng công việc với tổng số tiền từ 10% giá gói thầu trở lên hoặc dưới 10% giá gói thầu nhưng trên 50 tỷ đồng.
  1. Quy trình lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt:

Trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức nêu trên để lựa chọn nhà thầu thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu.

Thông tư 58/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 16/5/2016, thay thế Thông tư 68/2012/TT-BTC.

 

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1388 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;